Với việc tạo được thương hiệu, phim truyền hình Việt Nam trong những năm qua không chỉ “chiếm sóng” các khung giờ vàng mà còn tạo được hiệu ứng với khán giả. Nỗ lực của các đoàn làm phim trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là rất đáng ghi nhận.
Làm phim trong mùa dịch
Dịch Covid-19 lây lan trong suốt những năm qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến từng ngành nghề, trong đó có lĩnh vực phim truyền hình. Tuy nhiên, nếu các bộ phim điện ảnh phải lùi ngày ra rạp hay các đơn vị nghệ thuật phải dừng biểu diễn… thì các bộ phim truyền hình vẫn ngày ngày lên sóng phục vụ khán giả. Ở đó, các đoàn làm phim đã phải nỗ lực vượt khó, chắt chiu từng khoảng thời gian để hoàn thành các cảnh quay cho kịp tiến độ.
Thậm chí, nhiều bộ phim phải sửa lại kịch bản, đảm nhận vai “đóng thế” cho bộ phim khác để “lấp sóng”. Đơn cử như bộ phim “Phố trong làng” phải dừng phát sóng 2 tuần do diễn biến dịch bệnh phức tạp và thay vào đó là bộ phim “Mùa xuân ở lại”. Hay như “Hương vị tình thân”, sau dịp nghỉ Tết dù đã sắp hoàn tất các tập phim cuối nhưng hầu như ngày nào đoàn làm phim cũng có ca mắc Covid-19. Đoàn làm phim “Thương về ngày nắng 2” cũng rơi hoàn cảnh tương tự, thậm chí phải dừng quay một thời gian…
Thực tế cho thấy, với gần 500 tập phim phát sóng trong một năm trên các kênh sóng của VTV và các đài địa phương đây là áp lực cũng như khối lượng công việc “khổng lồ” cho các đơn vị sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Đạo diễn bộ phim “Hương vị tình thân” Nguyễn Danh Dũng chia sẻ, thông thường ê kíp làm phim có khoảng 70 - 80 người, nhưng trong điều kiện chống dịch đã phải rút xuống một nửa trong khi phải tăng tốc độ làm việc tại hiện trường. Một bộ phim quay 10 tháng mà 3 lần dịch bùng phát, đó là sự lao động, sáng tạo nghiêm túc trong điều kiện khá ngặt nghèo. Ê kíp sản xuất cũng chọn những bối cảnh ghi hình vắng người, hạn chế di chuyển và giảm số lượng thành viên tới mức tối thiểu.
“Áp lực của đại dịch có ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần của mọi người. Có những người phải xa gia đình, con nhỏ theo đoàn trong một thời gian dài, có nghệ sĩ có tuổi cũng phải khắc phục vấn đề sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ nên chúng tôi chỉ có thể nói sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình” - đạo diễn Dũng bày tỏ.
“Đồng cảm, cộng khổ” cùng đoàn làm phim “Thương về ngày nắng” trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, NSND Minh Hòa cho biết, những ngày đi quay hình nghệ sĩ phải chấp nhận ăn cơm một mình để tránh ảnh hưởng đến gia đình. Dù mang trong mình tâm thế hoang mang, lo sợ nhưng khi chuẩn bị bước vào canh quay, NSND Minh Hòa lại quên hết tất cả để tập trung cho vai diễn. Bởi NSND Minh Hòa quan niệm “nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Trong thời điểm dịch bệnh, mọi người vẫn phải đi quay phim và trong quá trình ghi hình, diễn viên không đeo khẩu trang để thể hiện trọn vẹn nhân vật.
“Cảm giác lúc đó lo lắng lắm vì không biết trong số đông ấy, ai sẽ là F0. Và thậm chí chính bản thân mình cũng có thể là F0. Cho nên tôi đi làm trong tâm thế hết sức vì nhân vật nhưng cũng lo lắng lại mang bệnh đó cho người thân của mình” - NSND Minh Hòa nói.
Mùa quả ngọt
Có thể nói, với những gì phim truyền hình Việt Nam đã cống hiến cho khán giả trong những năm qua đã tạo được thương hiệu trong lòng khán giả. Bởi ngoài các giải thưởng dành cho các bộ phim minh chứng rõ nhất cho sự thành công là tỷ suất khán giả xem phim truyền hình Việt Nam ngày một tăng.
Theo số liệu của Kantar Media Vietnam, năm 2021 có nhiều bộ phim Việt đạt tỷ lệ rating cao. Trong đó, “Mặt nạ gương” đứng đầu trong top 10 phim truyền hình Việt Nam được xem nhiều nhất với tỷ lệ rating là 4,8%, tiếp đó là “11 tháng 5 ngày” (4,7%), “Mùa hoa tìm lại” (4,4%), “Hãy nói lời yêu” (4,4%), “Hướng dương ngược nắng” (4,1%)...
Để có được thành công này phải ghi nhân sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng, nội dung... các nhà làm phim đã giúp những bộ phim truyền hình Việt Nam có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Đồng thời, dàn diễn viên tham gia các phim truyền hình Việt Nam hiện cơ bản có kỹ năng diễn xuất tốt, nỗ lực hóa thân trọn vẹn vào từng nhân vật, từng câu chuyện trong phim. Nhiều diễn viên đã tạo được dấu ấn khó quên đối với khán giả. Đơn cử như dòng phim truyền hình xoay quanh những câu chuyện về mâu thuẫn giữa các thế hệ, những rạn nứt trong đời sống hôn nhân, hay về người phụ nữ cam chịu, hy sinh bản thân để lo toan vẹn toàn cho gia đình… vốn không mới mẻ, nhưng vẫn cuốn hút người xem nhờ nội dung gần gũi với những thông điệp nhân văn. Những bộ phim như “Hướng dương ngược nắng”, “Hương vị tình thân”, “Cây táo nở hoa”, “11 tháng 5 ngày”... đã thành công khi có cốt truyện gần gũi với đời sống của hầu hết các gia đình người Việt.
Tiếp nối thành công, ngay trong quý I/2020 hàng loạt các bộ phim truyền hình “bom tấn” của Việt Nam cũng đã chính thức được công chiếu và đã lập tức thu hút được sự quan tâm của khán giả. Đơn cử như bộ phim hình sự “Bão ngầm” của đạo diễn Đinh Thái Thuỵ; phim lãng mạn hài hước “Anh không phải là đàn ông” của đạo diễn Trịnh Lê Phong… Theo đại diện Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), trong năm 2022, đơn vị này tiếp tục ưu tiên những kịch bản tốt, có tính xã hội cao. Bên cạnh đó, các đơn vị khác cũng đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Với sự “kích cầu” mạnh mẽ này đã và đang góp phần tạo ra sự đa dạng cho phim truyền hình Việt trong năm nay, hứa hẹn mang đến cho khán giả màn ảnh nhỏ những thước phim hấp dẫn.