Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Bình nhấn mạnh như trên tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện CVĐ ở tỉnh (2009 - 2024, do Ban chỉ đạo CVĐ ở tỉnh tổ chức chiều 7/8) khi đề cập đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị, điểm bán lẻ chiếm 75%.
Tại hội nghị, đại diện các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở tỉnh Thái Bình cùng nhìn nhận, đánh giá việc Trung ương phát động thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 15 năm trước là rất thiết thực, ý nghĩa. Thông qua việc người Việt tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước góp phần cổ vũ, động viên, thiết thực giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước phát triển, lớn mạnh, tạo việc làm, thu nhập, đóng góp cho ngân sách để có nguồn lực phát triển đất nước; thiết thực thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Từ nhận thức đó, 15 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên ở tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện CVĐ. Trong đó, bằng nhiều cách, nhiều kênh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của CVĐ, riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức trên 6.000 hội nghị quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung CVĐ.
Chính quyền các cấp trong tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong có chính sách về đất đai, vốn, thuế, khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính…, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Công tác quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, sản phẩm, thương hiệu được tỉnh Thái Bình tăng cường. Theo thống kê của cơ quan chức năng, 15 năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra hơn 33.300 lượt, xử lý hơn 15.700 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 31 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều loại hàng giả, hàng cấm, hàng hết hạn sử dụng trị giá gần 2 tỷ đồng…
Phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở địa phương cũng nỗ lực vươn lên, tập trung đầu tư vốn, công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Thành quả là đến nay, nhiều sản phẩm xuất xứ từ tỉnh Thái Bình đã tạo dựng, giữ vững được thương hiệu ở trong tỉnh, cả nước và ở thị trường nước ngoài, với những sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng như sản phẩm gạo của Tập đoàn Seed Thái Bình, các loại đồ uống mang thương hiệu Đại Việt, sản phẩm gốm sứ Long Hầu, gạch men Mikado…
Toàn tỉnh hiện có 183 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt 4 sao, 135 sản phẩm xếp hạng 3 sao) với tổng số 128 cơ sở sản xuất (37 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã và 43 hộ kinh doanh). Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình đã tiếp cận được với kênh thương mại điện tử, trên các nền tảng như: Voso, Lazada, Shopee, Tiktok …
Những nỗ lực trên của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Bình đã góp phần thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng trong tỉnh theo hướng lựa chọn những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp do các doanh nghiệp ở địa phương, ở trong nước sản xuất để sử dụng. Theo thống kê, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, điểm bán lẻ ở Thái Bình hiện chiếm 75%.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thiết thực
Tuy nhiên, trong phát biểu tại hội nghị, bên cạnh việc biểu dương những mặt, kết quả tích cực, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện CVĐ ở địa phương.
Trong đó, một số cấp ủy ở địa phương vẫn xem nhẹ, chưa thực sự coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; công tác quản lý nhà nước, chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng… hiệu quả vẫn còn mức độ. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm sản xuất ra chưa tốt, chưa tạo được uy tín, niềm tin với người tiêu dùng. Tương tự, việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, xúc tiến đầu tư cũng chưa thực sự hiệu quả…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CVĐ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần nhận thức, xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ, nhất là trong bối cảnh hiện nay tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, đến thị trường.
“Chỉ giao cho các cơ quan chuyên môn, xây dựng kế hoạch rồi triển khai trong hội nghị là xong thì không hiệu quả”, ông nói.
Nhìn nhận doanh nghiệp có phát triển, tiêu thụ được sản phẩm mới tạo được việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng thuế cho nhà nước để có nguồn lực đầu tư phát triển, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo các cấp chính quyền trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các mặt, đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Phải thường xuyên đối thoại, trao đổi, lắng nghe xem doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc gì để tháo gỡ. Mà phải tháo gỡ thực sự. Chứ nghe xong rồi để đấy thì không được! Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải đến hết cơ quan này đến cơ quan khác rất nhiều lần mà không được việc, vì cứ cơ quan này “đá bóng” việc giải quyết cho cơ quan khác, không được quan tâm, không được lắng nghe”, ông Nguyễn Tiến Thành nêu vấn đề.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cũng phải cụ thể, thiết thực. “Truyền hình, báo của tỉnh hiện có cơ chế nào hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không? Hay cứ theo giá thị trường?”, ông nêu ví dụ.