Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, các cấp, các ngành và MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào theo cách dễ nghe, dể hiểu và dễ nhớ.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn có trên 88% dân số là đồng bào DTTS định cư, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn cao, đời sống nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Nhận thức pháp luật của người dân, nhất là đồng bào DTTS có nhiều mặt còn hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật hạn hẹp, nên vẫn còn các hiện tượng vi phạm pháp luật như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình, vi phạm luật giao thông đường bộ, đất đai… ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, MTTQ và các cấp, các ngành trong tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Nhờ đó, ý thức của đồng bào DTTS trên địa bàn đã có những thay đổi rõ rệt.
Theo bà Triệu Thị Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn, những năm trước đây, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS ở Bắc Kạn chủ yếu theo hình thức tuyên truyền miệng và niêm yết văn bản. Hình thức này không hấp dẫn, khó thu hút người dân quan tâm tìm hiểu. Nhiều buổi tuyên truyền bị hành chính hóa, nặng về đọc nguyên văn, khô cứng nên hiệu quả không cao. Nhận thức được việc này, MTTQ và các cấp, các ngành đã tìm các biện pháp để tuyên truyền cho đồng bào DTTS một cách dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Từ năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ động phối hợp với MTTQ và Tỉnh Đoàn triển khai “sân khấu hóa” các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tỉnh Đoàn cùng các huyện đoàn, địa phương phối hợp xây dựng kịch bản để cho thanh niên triển khai.
“Bắc Kạn cũng triển khai xây dựng hai mô hình điểm thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi” tại hai xã Đổng Xá, huyện Na Rì và xã Yến Dương, huyện Ba Bể. Mỗi mô hình được xây dựng một nhóm nòng cốt, thực hiện tuyên truyền hàng tháng đến từng hộ dân bằng hình thức trực tiếp, lồng ghép tại các buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng… Các nhóm nòng cốt tổng hợp từ nhu cầu cơ sở, được tập huấn rồi trở về tuyên truyền cho người dân” - bà Thúy chia sẻ.
Việc tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS hiệu quả đã luôn nhận được sự đồng hành, sát cánh của chi đoàn thanh niên bằng những hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Để làm tốt việc này, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã chọn huyện Pác Nặm là địa phương đầu tiên để thực hiện.
Với đặc thù là huyện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất của tỉnh nên Pác Nặm được ưu tiên lựa chọn để làm điểm tuyên truyền. Theo đánh giá của các cấp chính quyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS là do nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế, việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện pháp luật còn chưa sâu rộng, bất cập và thiếu hiệu quả. Do đó, tại hai xã Cổ Linh và Bằng Thành, Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh Đoàn Bắc Kạn triển khai sân khấu hóa tuyên truyền mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” rồi nhân rộng ra toàn huyện. Trong hai buổi tối, người dân và các em học sinh được nghe đại diện Ban Dân tộc phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, thông tin về thực trạng, hậu quả, tác hại, hệ lụy của vấn nạn này. Những tiểu phẩm được xây dựng bằng những tư liệu có thật đã giúp bà con đồng bào DTTS nơi đây hiểu hơn về những hệ lụy mà hôn nhân cận huyết thống mang lại.
Chia sẻ thành công trong việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Ma Thị Mận cho biết, đổi thay rõ nhất là người dân hào hứng nghe, tham gia trả lời câu hỏi và nhớ được ngay những quy định của pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tiểu phẩm kịch được các thanh niên diễn, trình bày bằng cả tiếng DTTS, được sân khấu hóa các tình huống cụ thể. Sau huyện Pác Nặm, tỉnh Đoàn Bắc Kạn sẽ tiếp tục mở rộng tuyên truyền đến các địa phương khác như: Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn và Chợ Đồn.
“Không chỉ có sự tham gia của MTTQ và các tổ chức đoàn thể mà thời gian qua, Sở Tư pháp cũng tham mưu UBND tỉnh tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình, đề án, cuộc thi. Đến nay, Bắc Kạn đã tổ chức 6 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 28.000 người tham dự. Đổi mới tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến góp phần tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Trong thời gian tới, để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS hiệu quả hơn, UBND tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương điều tra tại các xã đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, xây dựng, nhân rộng để mỗi huyện có ít nhất từ một đến hai mô hình trở lên. Trong mỗi mô hình xây dựng nhóm nòng cốt gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín; mỗi thôn có ít nhất một người. Từ đó, hàng tháng, thông qua sinh hoạt chi bộ, họp thôn… nhóm nòng cốt sẽ tuyên truyền, phổ biến tới tận thôn, bản” - bà Mận cho biết.
Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, người dân vùng DTTS trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, giúp bà con tích cực xây dựng đời sống mới cũng như tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để phát triển kinh tế tại địa phương.
Lào Cai: Tập trung phát triển bền vững sản phẩm quế
UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển quế bền vững. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn... Tập trung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Quỳnh Anh