Mỗi khi xảy ra một vụ đuối nước ở học sinh, việc dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em lại được nhắc tới. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, mục tiêu phổ cập bơi lội cho trẻ em vẫn “trên giấy”. Việc mới đây một nhóm học sinh tới một hố nước ở khu đô thị Nam Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) để tắm rồi bị đuối nước, 3 em không may đã tử vong, 1 em phải vào cấp cứu tại bệnh viện lại tiếp tục được báo động, cùng đó việc dạy bơi trong nhà trường lại được đặt ra.
Cách đây 12 năm, từ đầu mùa hè năm 2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có chủ trương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học, giai đoạn 2010-2015. Đối tượng tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5.
Theo đó, để bảo đảm thành công, các địa phương cần đầu tư xây dựng bể bơi tại trường học, hoặc cụm trường với quy mô và hình thức phù hợp. Lựa chọn, tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục cốt cán để đảm bảo về chuyên môn, kỹ năng dạy bơi cho học sinh. Tổ chức vào các dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép những tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất.
Những năm tiếp theo, nạn đuối nước trong học sinh vẫn không giảm, vì thế nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa bơi thành môn học bắt buộc ở học sinh Tiểu học và đầu Trung học cơ sở. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng ủng hộ và cũng nhiều hội thảo được mở ra. Nhưng thực tế tình hình không biến chuyển.
Nhân đây, cũng xin được nêu lại một số con số học sinh đuối nước những năm gần đây.
Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cuối năm 2020, khoảng hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em độ tuổi 2-15. Còn theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 em.
Trong khi đó, thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết, tới hết năm 2020 cả nước chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ở đại học thì cũng chỉ trên dưới 13% các trường có xây dựng bể bơi. Số lượng như muối bỏ biển.
Còn tại Nghệ An, cơ quan chức năng tỉnh này cho biết, năm 2021 toàn tỉnh có 34 em tử vong vì đuối nước. Còn từ đầu năm đến hết tháng 5 năm nay, con số này là 17 em. Trong khi đó toàn tỉnh chỉ có 60 trường học có bể bơi (trong tổng số hơn 1.660 trường học toàn tỉnh). Còn tại huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, yếu tố nguy cơ vẫn tiềm ẩn do địa bàn huyện nhiều sông hồ, tỷ lệ trẻ em biết bơi chưa cao. Toàn huyện có khoảng 66.000 trẻ em tại 38 xã, thị trấn, nhưng mới chỉ có 8 bể bơi kiên cố, 4 bể bơi thông minh, quá ít so với nhu cầu. Nguyên nhân được cho là do thiếu kinh phí.
Đó là một thực tế ở hầu hết các địa phương, đặc biệt với hệ thống các trường công lập do diện tích hẹp lại thiếu tiền “kinh niên”. Không có tiền làm bể bơi, nhiều trường quá sốt ruột, lo lắng nên đành “linh hoạt” dạy bơi cạn cho học sinh... trên sân trường. Kết cục là không đâu vào đâu.
Một nguyên nhân nữa khiến bơi không phổ cập được trong nhà trường là do thiếu giáo viên. Người biết bơi hướng dẫn cho người không biết bơi cũng được, nhưng như vậy thì nguy cơ đuối nước vẫn tiềm tàng. Môn bơi cần được dạy một cách bài bản, nhưng lấy giáo viên ở đâu? Đó là câu hỏi rất khó, ngang với câu hỏi tiền ở đâu để làm bể bơi.
Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm chính trong việc này là chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh xuống huyện, rồi xuống xã. Nếu các cấp chính quyền nhận thức được sự hệ trọng của vấn đề thì sẽ tìm ra cách giải quyết. Tiếc thay, khi những vụ đuối nước của các em nhỏ xảy ra, người ta mới giật mình, còn thì bình thường mải lo cơm áo gạo tiền cùng với bao điều khác nên việc dạy bơi cho trẻ đã không phải là mối quan tâm.
Một trong những kỹ năng sống tối cần thiết cần phải trang bị cho trẻ em chính là bơi lội. Để các em có thể tự cứu mình cũng như cứu bạn, cứu người khác khi gặp nguy nan. Điều đó ai cũng biết, nhưng quan trọng phải là làm gì để các em bơi được, bơi giỏi, có kỹ năng thoát hiểm, cứu người dưới nước... thì lại chỉ dừng ở những cảnh báo, những dự định từ năm này sang năm khác.
Phổ cập bơi cho học sinh đã đến lúc không phải là dự định, mà phải trở thành hiện thực. Việt Nam là đất nước nhiều sông suối, ao hồ, biển cả thì phổ cập bơi lại càng cần thiết. Xin được dẫn lại báo cáo của Cục Trẻ em vào thời điểm cuối năm 2020: Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.