Ngày 30/8, tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã chủ trì Hội nghị tọa đàm góp ý kiến một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội nghị tọa đàm là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch số 589/KH-MTTW-BTT ngày 17/8/2022 về tổ chức phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định: “Qua thực hiện các quy định của Luật Đất đai gần 10 năm, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập… Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”.
“Quảng Ninh là địa phương có rất nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ tái định cư, thực hiện chính sách, pháp luật đất đai, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ sự phát triển. Ý kiến của các cơ quan ở Quảng Ninh là căn cứ thực tiễn quan trọng để nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã khái quát những thành tựu trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh thời gian qua. Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Hội nghị không chỉ cung cấp thêm thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển KT-XH của Quảng Ninh trong những năm vừa qua, trong đó có thực tiễn từ vấn đề quản lý đất đai, TN-MT trên địa bàn tỉnh mà cũng là cơ hội để UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh học tập kinh nghiệm tổ chức phản biện xã hội trong thời gian tới.
Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng phát biểu làm rõ những vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng Đất đai; phạm vi lấy ý kiến của nhân dân qua đó tạo sự đồng thuận của nhân dân để phát triển KT-XH; những vấn đề bất cập trong dự thảo Luật Đất đai, Luật Quy hoạch… và kinh nghiệm từ Quảng Ninh.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận tập trung về 11 nhóm nội dung cụ thể mà Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã nêu. Trong đó, nhấn mạnh vào việc thể chế những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan; góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng; hoàn thiện các quy định về thu hồi, trưng dụng đất; hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Góp quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; các quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.… Đồng thời, đề xuất một số nội dung khác được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng chưa phù hợp với thực tế, hiệu quả thấp để góp ý.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Hội nghị tọa đàm đã diễn ra chất lượng và đưa ra nhiều vấn đề hay. Các ý kiến sẽ được tổng hợp và phục vụ cho quá trình tổ chức hội nghị phản biện. Đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học làm sâu sắc hơn các ý kiến ngày hôm nay để đưa ra hội nghị phản biện.