Chiều 7/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc (UBDT).
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, năm 2021 vừa qua, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được UBDT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trước Tết Nguyên đán, UBDT đã tiến hành Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tham mưu và tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn toàn quốc. Đến nay, kế hoạch và nhiệm vụ của năm 2022 đã được các đơn vị, các địa phương trên toàn quốc triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đúng theo lộ trình của Chính phủ đề ra.
Báo cáo tình hình vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và kết quả công tác dân tộc năm 2021, nhiệm vụ công tác năm 2022, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cho biết, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, đời sống không ngừng được cải thiện.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh, năm 2021, UBDT được giao nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 chương trình, đề án, chính sách dân tộc. Đến nay, UBDT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 đề án, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 2 đề án, dự kiến trình trong quý I năm 2022.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của UBDT, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBDT đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc.
Tiêu biểu, trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng đồng bào dân tộc có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 27 huyện (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh luôn được củng cố và tăng cường, chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, trật tự trên địa bàn. Các hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc Tết đồng bào DTTS ở các vùng, miền; chăm lo đời sống, vật chất, cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,… đã được UBDT tổ chức thực hiện tốt.
Với tinh thần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc đồng hành cùng UBDT, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, UBDT cần tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả thiết thực. Cùng với đó là thực hiện giám sát công tác triển khai thực hiện, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chính phủ đã giao cho UBDT là cơ quan chủ trì phối hợp và giao trách nhiệm rõ ràng cho 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Do đó, cần đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88 đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm để theo quy định sau khi sơ kết 5 năm sẽ hoạch định cho giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, UBDT phải nêu được cụ thể những việc đã làm, khó khăn vướng mắc; thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn, UBDT tiếp tục đẩy mạnh nắm bắt đời sống của người DTTS đang gặp khó khăn khi trở về từ vùng dịch; người dân bị tác động trực tiếp từ đại dịch để có chính sách hỗ trợ ngay, kịp thời giải quyết khó khăn. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp tạo việc làm, đào tạo và đào tạo lại cho đồng bào DTTS và miền núi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để họ yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, gắn bó với quê hương.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; rà soát, có kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm ổn định, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS và miền núi; quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy, kiên quyết xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.
Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây duyên hải miền Trung.