Phố cổ Hội An chìm trong nước

Tấn Thành-Chí Đại 12/10/2022 06:35

Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), 2 ngày qua mưa lớn, lượng nước ở thượng nguồn đổ về cùng với nước mưa tại chỗ khiến nước sông Hoài dâng cao gây ngập sâu ở các tuyến đường, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, tại các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam, mưa lớn và lũ cũng gây chia cắt.

Lực lượng chức năng giúp du khách di chuyển trong phố cổ Hội An.

Nước sông Hoài tràn vào phố cổ, người dân phải đi lại bằng thuyền

Trưa 11/10, có mặt tại Hội An, PV Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận nhiều khu vực ngập sâu hơn 1m, nhất là ở các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Quý Cáp và chợ Hội An. Có chỗ bà con phải dùng thuyền đi để đi lại. Ngoài trung tâm khu phố cổ, một số khu vực vùng ven của TP Hội An như phường Thanh Hà cũng bị ngập nặng.

Thành phố bị ngập lụt khiến việc buôn bán của các tư thương phải ngừng lại để lo chạy lũ. Bà Võ Thị Nga, tiểu thương buôn bán ở chợ Hội An cho biết, từ tối 10/10, nước đã bắt đầu dâng cao nên bà và các tiểu thương ở đây phải dọn hàng đưa lên vị trí cao hơn để khỏi bị ướt. Nước ở chợ Hội An mênh mông khiến khách hàng vắng bóng, du khách thì càng không thấy.

Ông Lý Hoàng Nam, trú phường Minh An, TP Hội An cho biết: Từ chiều 10/10 đến trưa 11/10, nước sông Hoài dâng cao đã tràn ngập vào nhiều nhà dân trong khu phố cổ. Cả nhà ông phải thức trắng đêm đưa đồ đạc lên gác nhà để tránh bị ướt. Ngập lụt ảnh hưởng rất nhiều việc kinh doanh buôn bán và không có khách du lịch đến tham quan mua đồ lưu niệm. “Nhiều người dân sinh sống ở khu vực phố cổ phải sử dụng ghe để làm phương tiện di chuyển đi làm hay mua thực phẩm, nước uống về cho gia đình sinh hoạt”- ông Nam cho biết.

Đang chèo ghe đi mua thực phẩm, ông Phạm Chính, trú phường Minh An cho hay: Hai ngày qua mưa lớn khiến nước ở thượng nguồn chảy về sông Hoài dâng cao gây ngập các tuyến đường gần bờ sông. Hiện tại người dân chỉ biết sử dụng ghe làm phương tiện đi mua gạo, thực phẩm về cho cả gia đình. Do năm nào ở phố cổ Hội An cũng ngập sâu nên người dân địa phương cũng quen với cảnh tượng này, nhưng vẫn rất khổ.

Ông Đặng Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND phường Minh An cho biết, phường có khoảng 3.500 hộ dân bị ngập nước nhưng đa số người dân địa phương có nhà kiên cố nên bước đầu cũng an tâm. Nhưng nếu ngập nước lâu ngày thì ngành chức năng TP Hội An sẽ có phương án sơ tán người dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Chính quyền phường cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế đi lại những đoạn đường ngập nước sâu để phòng tránh tai nạn đuối nước.

Khi được hỏi phải làm gì để bảo vệ nhà cổ trong lúc mưa to ngập lụt này, ông Cảnh cho biết: “Đối với nhà cổ chính quyền địa phương thường xuyên khảo sát và Trung tâm Bảo tàng di sản Hội An đã thực hiện chằng chống những ngôi nhà cổ xuống cấp”.

Còn ông Nguyễn Trần Vũ - Chủ tịch UBND phường Minh An cho biết đây là địa bàn thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa lớn nên người dân đã thích nghi với cảnh tượng này. Riêng đối với du khách đến tham quan phố cổ Hội An thì địa phương giăng dây, đặt biển báo. Còn riêng du khách đi thuyền thì Công an phường phối hợp với Công an TP Hội An hướng dẫn cho du khách đi lại đảm bảo an toàn.

Cho tới trưa ngày 11/10, nhiều du khách nước ngoài lưu trú ở Hội An nhưng nằm phía bên kia sông Hoài cũng là nơi thấp trũng nên đã thu dọn hành lý, lên thuyền để sang trung tâm thành phố.

Chia sẻ về vấn đề ngập lụt ở phố cổ, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Trước tình trạng mưa lũ gây ngập nặng, chính quyền TP Hội An đã cho xe lưu động đi tuyên truyền người dân và du khách không đi qua những khu vực nước sâu để đảm bảo an toàn tính mạng. Ngoài ra còn thông tin về mực nước lũ và tổ chức lên kế hoạch sơ tán tại chỗ khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Lực lượng chức năng Tam Kỳ “giải cứu” trong đêm người dân khối phố 8 (phường An Sơn) đến nơi an toàn Ảnh: Tấn Sỹ.

Điều tiết xả nước thủy điện, thủy lợi để đón đợt mưa lớn sắp tới

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại các huyện Phú Ninh, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP Tam Kỳ, ngày 11/10.

Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 9 đến đêm 10/10 khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ngập lụt, gây thiệt hại lớn cho người dân. Lượng mưa đo được một số khu vực lên đến 600mm.

Cho tới sáng ngày 11/10, mưa đã ngớt nhưng lũ trên sông Vu Gia vẫn xuống chậm; còn hạ lưu sông Thu Bồn và Tam Kỳ, mực nước tiếp tục lên. Nhiều khu vực thuộc vùng đông Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, TP Tam Kỳ và TP Hội An vẫn còn ngập sâu.

Hiện 12/17 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý đã đầy nước và tích đạt 100%; 5 hồ còn lại đã tích từ 50-90%. Riêng mực nước hồ Phú Ninh đã đạt dung tích hữu ích 69,9%.

Ông Bửu cho biết, dự báo từ 13 đến 15/10 miền Trung sẽ có một trận mưa lớn, trong đó Quảng Nam là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp. UBND tỉnh đang theo dõi tình hình ngập lụt ở hạ du, nếu tình hình cải thiện sẽ tiến hành điều tiết lượng nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi để đón đợt mưa sắp tới. Ông Bửu cũng cho rằng, trong đợt mưa này nhờ lường trước được lượng mưa nên các hồ thủy điện, thủy lợi thực hiện tốt việc cắt lũ ở thượng lưu xuống hạ du.

Trước đó, trong đêm 10/10, mưa lớn khiến hệ thống giao thông, cấp thoát nước TP Tam Kỳ tê liệt, gần 100 người dân ở phường An Sơn bị “vây hãm” giữa dòng nước lũ. Ngay trong đêm,lực lượng chức năng đã dùng thuyền nhỏ “giải cứu” người dân khối phố 8 (phường An Sơn) đến nơi an toàn.

Trung tá Huỳnh Mai Dương - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự TP Tam Kỳ cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng lực lượng ứng cứu. Trong gần 2 giờ đồng hồ, gần 100 người già, trẻ em ở khối phố 8 đã được Ban Chỉ huy quân sự TP Tam Kỳ và lực lượng thanh niên xung kích địa phương ứng cứu thành công.

“Khi tiếp cận hiện trường trong điều kiện đêm tối, mưa to, nước lớn, nguy hiểm nhất là hệ thống điện thắp sáng chập chờn, chúng tôi đã đưa ra phương án ứng cứu bằng thuyền nhỏ, phao cứu hộ, chọn lực lượng khoẻ, biết bơi và am hiểu địa hình. Để vừa ứng cứu kịp thời cho bà con, nhưng cũng đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và chiến sĩ. Khi đưa được bà con ra khỏi vùng nguy hiểm, nhìn ánh mắt nụ cười của các cụ già, em thơ, thật sự anh em chúng tôi không còn cảm giác mệt mỏi nữa” - trung tá Dương cho biết.

Mở đường cứu hộ vào Nhà máy Thủy điện Kà Tinh.

Sáng 11/10, lực lượng chức năng đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở vùi lấp Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 (ở xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Trước đó, tối 10/10, tại khu vực cầu Kà Tinh đã xảy ra sạt lở núi gây ách tắc giao thông, làm sụp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1. Ngay trong đêm đoàn công tác của huyện Trà Bồng đã lên đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền và lãnh đạo huyện Trà Bồng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. 2 xe máy xúc dọn đất đá để trước mắt tạm thời thông tuyến và tiếp cận nhà máy thủy điện.

Thủy điện Kà Tinh có tổng mức đầu tư trên 437 tỷ đồng, do Công ty CP thủy điện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Thủy điện khai thác theo hình thức 2 bậc gồm Thủy điện Kà Tinh nhà máy 1 và Thủy điện Kà Tinh nhà máy 2. Tổng công suất của thủy điện là 12 MW. Dự án này chặn dòng sông Hà Doi và đặt tổ máy cạnh tuyến tỉnh lộ 622B.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phố cổ Hội An chìm trong nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO