Tại Hội nghị toàn quốc bàn giải pháp phát triển du lịch vừa rồi, thông tin mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra đã được nhiều người hưởng ứng. Đó là tới đây Hà Nội sẽ bỏ “giờ giới nghiêm”, cho phép các khu vui chơi được hoạt động sau 12h đêm. Chủ trương này đã đã được UBND TP Hà Nội bàn rất kỹ và đã lên các phương án để tổ chức thực hiện. Tất nhiên, cho đến trước khi chính thức bỏ “giờ giới nghiêm” hiện tại thành phố Hà Nội vẫn áp dụng quy định các quán bar, các tụ điểm vui chơi phải đóng cửa trướ
Chợ đêm Đồng Xuân- Hà Nội.
Theo đại diện các hãng lữ hành du lịch điều này là bất hợp lý. Hiện tại sản phẩm du lịch của Hà Nội chưa thực sự phong phú, đa dạng. Vì thế mà nhiều công ty du lịch lâu nay chỉ coi Hà Nội là nơi trung chuyển, hoặc tạm dừng chân. Họ đưa khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá tại Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình…Các công ty lữ hành cũng cho hay, khách quốc tế luôn phàn nàn là khi du lịch Hà Nội, ban đêm không biết chơi gì, không biết tiêu tiền vào việc gì…Thành thử buổi tối chỉ có duy nhất một việc là ăn tối rồi về ngủ lại tại khách sạn.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhiều năm nay Hà Nội đã tổ chức những tuyến phố đi bộ. Ngoài những tuyến phố đi bộ cũ như Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, từ năm 2014 tại Quận Hoàn Kiếm có thêm 6 phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện. Khu phố đi bộ mở ra với kỳ vọng tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá đường phố phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn trong lòng du khách. Cho dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động của phố đi bộ suốt thời gian qua vẫn còn đơn điệu, cầm chừng, chưa đủ tạo nên dấu ấn cho một Hà Nội về đêm trong khi nhu cầu giải trí của du khách lại nhiều hơn thế.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, dù có áp dụng quy định “giới nghiêm” thì Hà Nội đêm vẫn có vô số những quán bar, vũ trường mi- ni, quán karaoke… hoạt động “chui”. Rất ít cơ sở kinh doanh các dịch vụ nói trên đóng cửa trước 12 h đêm. Có “cầu” ắt sẽ có “cung”, theo các đơn vị kinh doanh du lịch thì thay vì cấm, Hà Nội nên làm tốt hơn việc quản lý các dịch vụ ấy.
Do đó khi hay tin thời gian tới Hà Nội cho các điểm vui chơi mở sau 12h đêm, các doanh nghiệp du lịch đều phấn khởi. Họ cho rằng đó là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với chính sách coi dịch vụ (trong đó có dịch vụ du lịch) là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Quyết định này có lẽ cũng sẽ làm hài lòng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Bởi họ có nhu cầu khám phá văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí và cảm nhận Hà Nội về đêm theo cách riêng của những du khách.
Hiện Hà Nội đêm cũng đã có những phố ẩm thực nổi tiếng như Tạ Hiện, Tống Duy Tân, ngõ Cấm Chỉ, Hàng Dầu, Mai Hắc Đế…Tới đây Hà Nội sẽ còn có thêm những phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân)…Nhưng đến khi bỏ lệnh “giới nghiêm”, cùng với việc khuyến khích phát triển du lịch, các dịch vụ đi kèm, Hà Nội cần có quy hoạch phố đêm nghĩa là cần chuyên nghiệp hóa những khu vực, những tuyến phố kinh doanh dịch vụ giải trí, vui chơi. Đơn cử như trong hồi ức về Hà Nội xưa, chỉ cần nhắc tên con phố Khâm Thiên người ta sẽ nhớ ngay tới khu phố cô đầu, tối tối đỏ đèn với các canh hát ả đào…Quan trọng hơn, việc quy hoạch những khu ẩm thực, vui chơi, giải trí cho một Hà Nội về đêm cũng góp phần quản lý tốt hơn chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, hạn chế các tệ nạn xã hội...
Cảm giác trải nghiệm phố đêm Hà Nội theo một nghĩa rộng hơn- không phải ai sinh sống ở Thủ đô cũng đã từng có được. Các phượt thủ chuyên phượt đêm Hà Nội bảo rằng, họ đã thấy một Hà Nội chưa từng thấy bao giờ. Rằng phải thức đêm với Hà Nội sẽ nghe được tiếng thở của phố phường, sẽ thấy một Hà Nội trong dáng vẻ trầm tĩnh xưa cũ. Trong đêm, Hà Nội cuốn hút bằng vẻ đẹp lặng lẽ bình dị, có chân thực trong cuộc sống mưu sinh. Hà Nội ban ngày hối hả, vội vã quá! Đôi khi con người ta bị chính cái sự vội vã ấy cuốn đi, chẳng có đủ thời gian để dừng lại mà ngắm nhìn nét đẹp cổ xưa mà người ta hay nhắc về “36 phố phường, của Thăng Long ngàn năm văn hiến” nữa. Vậy là muốn ngắm được nét đẹp Hà Nội cổ xưa ấy phải chờ đến đêm, khi không còn tắc đường, ngột ngạt trong tiếng còi xe.
Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020 du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế phát triển, có tính chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và Thủ đô, thân thiện môi trường; Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch. Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo cũng đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm.
Mong rằng phố đêm Hà Nội tới đây sẽ vừa là một đặc trưng riêng, đặc sản riêng có của Thủ đô văn hiến, vừa trở thành một sản phẩm du lịch đủ sức níu chân du khách.