"Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi làm việc với TP Hà Nội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 15/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc với TP Hà Nội về kết quả triển khai công tác bầu cử và dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của TP Hà Nội.
Không tạo kẽ hở cho tham nhũng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ năm 2006 đến nay, TP đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm lên tới 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.127 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.
Dù đã đạt được những thành tích bước đầu như vậy nhưng ông Sửu thừa nhận, công tác PCTN ở Thủ đô vẫn còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Đặc biệt, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.
Kết luận nội dung này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình tham nhũng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý đô thị, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính, ngân hàng... Những vụ việc nổi lên gần đây như công trình xây trái phép ở 8B Lê Trực, Ba Vì cần xác định rõ nguyên nhân vì sao, do năng lực cán bộ, trách nhiệm hay tham nhũng?
Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn nhiều dư luận về tình trạng nhũng nhiễu, kỷ luật, kỷ cương hành chính còn nhiều yếu kém, vấn đề này cần chấn chỉnh.
“Với vị trí là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 8 vấn đề cấp thiết mà TP Hà Nội phải làm trong thời gian tới. Trong đó có việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà trước hết là Nghị quyết Đại hội XII về PCTN.
Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định để không tạo kẽ hở cho tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ, công chức. Hà Nội cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe. Đặc biệt, kiến nghị của mọi người dân phải được xử lý, trong bộ máy hành chính không thể để tình trạng: nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ, đề nghị của dân mà thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy. “Hà Nội cần làm mạnh công tác này. Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp
Về công tác chuẩn bị bầu cử, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bích Ngọc cho biết, đến ngày 2-3, Ủy ban Bầu cử các cấp đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số lượng đại biểu HĐND được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp mình theo luật định. Đến thời điểm hiện nay, Tiểu ban giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Ủy ban bầu cử nhận được 2 đơn tố cáo của công dân đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện, đã chỉ đạo xử lý theo quy định. Hiện Ủy ban Bầu cử TP đã nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử. Có 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP, trong đó có 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 9 người tự ứng cử.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Hà Nội cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử và đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối để ngày 22/5 thực sự là ngày hội của toàn dân, đảm bảo quyền của cử tri; đảm bảo số lượng và chất lượng, cơ cấu đại biểu. Về nội dung và hình thức, đây là ngày hội của toàn dân chứ không phải hô hào qua loa và yêu cầu đi bỏ phiếu. Người dân phải thực sự nô nức đi bỏ phiếu thì cuộc bầu cử mới thành công.
Phó Thủ tướng yêu cầu TP thường xuyên theo dõi, khẩn trương xử lý các vướng mắc phát sinh, kịp thời giải đáp các khúc mắc của các cấp huyện, xã, phường. Vấn đề gì không giải đáp được phải kịp thời xin ý kiến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nội vụ. Thành phố cần tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để khiếu kiện đông người kéo đến các cơ quan Trung ương. UBND TP phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan, xử lý kịp thời, không để điểm nóng phát sinh.
Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng đại biểu, “tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử của TP xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo chất lượng đại biểu tốt, đại diện cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.