Ngày 10/5, tại TP Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc làm việc với TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2023 của Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng đều thuộc top tăng trưởng nhất nước, cao hơn trung bình cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng, Quảng Ninh và thu ngân sách nhà nước của Quảng Ninh, Hải Dương đều tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của 3 địa phương đạt 1,06 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng số vốn Đồng bằng sông Hồng và chiếm 12% cả nước.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ triển khai quy hoạch cấp tỉnh của Hải Phòng, Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 còn chậm. Về giải ngân vốn đầu tư thì chỉ có Hải Phòng đạt 38,28%, cao hơn bình quân chung cả nước (15,65%) còn Hải Dương và Quảng Ninh có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cũng chưa thực hiện giải ngân vốn ODA…
Những khó khăn, vướng mắc của các địa phương chủ yếu ở các nhóm vấn đề thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường. Trong đó có việc chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho các địa phương đã được Chính phủ phân bổ hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương để triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh còn nhiều nội dung chưa thống nhất về thời hạn quy hoạch và các chỉ tiêu quy hoạch đất, dẫn đến vướng mắc trong triển khai dự án.
Cùng với đó, nguyên nhiên vật liệu tăng giá đột biến làm tăng chi phí đầu tư dự án, khan hiếm nguyên vật liệu nên ảnh hưởng tiến độ thi công dự án. GPMB, tái định cư còn chậm do khó khăn trong việc xác định khu tái định cư, khung giá đất có sự thay đổi nên phải điều chỉnh phương án GPMB phát sinh chi phí, tăng chi phí GPMB ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn do một số thị trường lớn thắt chặt chính sách tiền tệ…
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Theo đó, tỉnh Hải Dương đề xuất Chính phủ quan tâm ưu tiên nguồn lực sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp QL 37 đoạn nối QL 18 đi qua khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc kết nối với Bắc Giang; đầu tư mở rộng cầu Bình. Tỉnh Hải Dương cũng đề nghị được hỗ trợ và tạo điều kiện mở rộng, nâng cấp nhà xưởng của Công ty TNHH Ford Việt Nam xem xét giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho số linh kiện nhập khẩu từ 1/10-31/12/2022 trong khi chờ nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2020/NĐ-CP; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn… Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quy chế hoạt động của Quỹ phát triển đất; xem xét ủy quyền cho các địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, từ 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…
Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng phân cấp nhiều hơn cho UBND cấp huyện được giao khu vực biển cho các cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vùng biển thuộc tỉnh; có giải pháp để phát huy vai trò cửa ngõ xuất nhập hàng hóa, giảm tải cho các cửa khẩu biên giới đường bộ.
TP Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án, giải ngân được vốn đầu tư, hoàn thành Dự án tuyến đường ven biển; bàn giao công trình của các Bộ, ban, ngành Trung ương về Hải Phòng quản lý; cho phép Hải Phòng lập hồ sơ lập thêm khu kinh tế…
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự hợp tác, trách nhiệm, kịp thời phát hiện, mạnh dạn có những kiến nghị, đề xuất đối với một số quy định, nhằm bổ sung và hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược đồng bộ, phù hợp của các địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các đề xuất, kiến nghị của 3 địa phương đều xuất phát từ quá trình thực tiễn tại cơ sở. Trong quá trình phát triển và triển khai các chỉ đạo, đã phát hiện những tồn tại, bất cập, nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất trong thể chế, gây khó khăn. Vì thế, các ý kiến đóng góp từ các địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ cân đối, xem xét.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, thống nhất, có báo cáo chi tiết, cụ thể gửi Chính phủ để làm căn cứ xem xét, điều chỉnh. Trong đó lưu ý, cần có những đề xuất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn.