Phòng bệnh sau mưa lũ

BS. Phạm Văn Thân 20/08/2015 16:06

Những ngày qua, mưa lũ liên tục tại xảy ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Nước lũ cuốn theo phân, rác, xác động thực vật, bùn đất làm ô nhiễm nặng môi trường sống, rất dễ bùng phát các bệnh dịch: Đường ruột, đau mắt, viêm da, sốt xuất huyết, sốt rét… Chuyên mục Sức khỏe số này sẽ tư vấn cho bà con cách phòng bệnh sau mưa lũ.

Phòng bệnh sau mưa lũ

Làm trong và khử trùng nước

Bệnh đường ruột

Trong và sau mưa lũ, nước lũ quét qua mặt đất mang theo phân, mùn rác, xác động thực vật nên bị ô nhiễm rất nhiều mầm bệnh. Vì vậy người dân sống trong vùng lũ lụt rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... nhiễm qua thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, bàn tay bị nhiễm bẩn trong quá trình lao động và sinh hoạt, do ruồi, nhặng, dán, thạch thùng, chuột làm nhiễm bẩn vào thực phẩm. Các loại vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ, amip, vi khuẩn E.coli…lây lan rất nhanh và gây thành bệnh dịch.

Phòng bệnh đường ruột chủ yếu phải thực hiện ăn chín uống sôi, và phải có nước sạch để ăn uống, tắm rửa. Để phòng bệnh đường ruột, cần xử lý nước sạch để sinh hoạt và giữ vệ sinh ăn uống.

Phòng bệnh sau mưa lũ - 1

Ngủ màn để chống muỗi đốt phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết

Cách xử lý nước sạch dùng ăn uống, sinh hoạt

Khi trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu thức ăn. Nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, thì phải làm trong và khử trùng nước rồi mới dùng. Cách làm trong và khử trùng nước như sau:

- Chuẩn bị nguyên liệu : mua phèn chua khoảng 0,5 – 1kg; mua các loại thuốc khử trùng như viên Cloramin B, bột Cloramin B, Clorin 70%, 65%; viên khử trùng Aquatabs 67mg…

- Cách làm trong 1 xô nước nước khoảng 20-25 lít: dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay, hòa tan phèn vào một gáo nước, sau khi phèn tan hết, đổ gáo nước đó vào một xô đựng nước và khuấy đều. Khoảng 30 phút sau, khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong ở phía trên để khử trùng.

- Khử trùng bằng viên Aquatabs: Tiện nhất là dùng viên Aquatabs 67mg để khử trùng nước. Cách dùng cho 1 viên Aquatabs loại 67mg vào 20 lít nước trong, đậy nắp lại, đợi sau 30 phút để thuốc diệt hết vi khuẩn là dùng được. Nước đã khử trùng bằng Aquatabs 67mg có thể uống được ngay mà không cần đun sôi vẫn an toàn.

- Khử trùng nước bằng viên Cloramin B: Hoà tan 1 viên Cloramin B 0,25 gam vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước chứa 20- 25 lít nước đã được làm trong và khuấy đều. Đợi khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Nước đã khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

Trường hợp cần khử trùng nhiều nước hơn thì dùng 1/3 thìa canh bột Cloramin B (tương đương 3 gam) để khử trùng lượng nước khoảng 250 - 300 lít.

Các nơi chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở. Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Mọi người dân tự giác vệ sinh trong từng gia đình, từng ngõ xóm, tạo môi trường sống phong quang, sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển.

Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã, không ăn tiết canh, nem chạo nem chua…Không dùng thịt gia súc, gia cầm đã chết để chế biến thức ăn. Không ăn mắm tôm, mắm tép sống, nếu muốn ăn phải chưng chín kỹ. Không ăn gỏi, tái: Tôm, cá, cua và hải sản sống vì rất dễ bị nhiễm các bệnh giun sán nguy hiểm. Không uống nước lã, nước đá vì rất mất vệ sinh, dễ bị lây bệnh đường ruột. Không ăn các thức ăn đã bị ôi thiu, thức ăn để lâu ngoài không khí hay để lâu trong tủ lạnh…

Phòng bệnh sau mưa lũ - 2

Rửa thật sạch rau sống để phòng bệnh đường ruột

Phòng chống các bệnh dịch khác

Khi phải tiếp xúc với nước lũ, người dân hay bị mắc các bệnh: Đau mắt, mụn nhọt ở da, sốt xuất huyết và sốt rét. Để phòng tránh các bệnh này, cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Đau mắt và mụn nhọt lở ngứa trên da. Bệnh này chủ yếu lây do tiếp xúc với nước lũ bẩn. Để phòng bệnh cần thường xuyên tắm, rửa bằng nước đã được làm trong và khử trùng sạch nói trên. Không tắm rửa bằng nước sông, suối, ao hồ đục bẩn vì rất dễ bị nhiễm khuẩn vào mắt và da. Dùng nước muối sinh lý (NaCl 9%o) nhỏ mắt ngày 2-3 lần.

Sốt xuất huyết và sốt rét là do bị muỗi đốt truyền bệnh. Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và tránh muỗi đốt. Diệt muỗi bằng cách xịt thuốc muỗi, dùng vợt điện diệt muỗi. Diệt bọ gậy bằng cách thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như: Bể, giếng, chum, vại, lu, khạp... để cá ăn bọ gậy. Loại bỏ nơi chứa nước cho muỗi đẻ bằng cách thu gom, loại bỏ các vật dụng xung quanh nhà có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe...Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không bay vào đẻ trứng được. Thay nước, rửa chum, vại, chứa nước mỗi tuần một lần.

Bỏ muối hay nhỏ dầu hoả vào bát nước kê chân chạn để muỗi đẻ trứng vào đây là bị ung. Chú ý thay nước ở lọ hoa trên bàn thờ 2-3 ngày 1 lần để loại trừ bọ gậy. Phun thuốc diệt muỗi xung quanh nơi ở. Phòng tránh muỗi đốt bằng cách : mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Nên ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi trong nhà ở. Tẩm hóa chất diệt muỗi vào chăn màn, theo yêu cầu của cơ quan y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng bệnh sau mưa lũ