Tuần qua, sự kiện thu hút chú ý của dư luận là việc ông Olaf Scholz chính thức trở thành vị Thủ tướng thứ 9 của nước Đức - quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU). Nước Đức sẽ ra sao sau khi bà Angela Merkel dời vị trí Thủ tướng sau 16 năm tại vị cũng là vấn đề được thế giới quan tâm.
Trước khi nước Đức có tân Thủ tướng, bà Angela Merkel đã trở thành nhân vật hiếm hoi được hưởng nghi thức cao nhất của quân đội Đức dành cho một quan chức dân sự: đó là ban nhạc quân đội biểu diễn các bản nhạc theo lựa chọn của vị nữ Thủ tướng trong buổi lễ chia tay.
Cũng trong sự kiện này, bà Merkel đã gửi những lời chia tay tới người dân Đức và lời chúc may mắn tới người kế nhiệm, ông Olaf Scholz.
Từ “kẻ ốm yếu” trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu
Bà Merkel nói: “Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Scholz và Chính phủ sắp tới. Các bạn sẽ là những người tìm câu trả lời cho thách thức của chúng ta trong thời gian tới. Chúng ta sẽ định hình được tương lai cho mình nếu giữ vững tinh thần lạc quan. Đó cũng là mong muốn của tôi với cả nước Đức. Từ tận đáy lòng, xin cảm ơn tất cả các bạn”.
Với 16 năm trên cương vị Thủ tướng Đức, sức ảnh hưởng rất lớn của bà Merkel không chỉ trên chính trường mà cả trong cuộc sống hàng ngày của người dân Đức. Chia tay bà Merkel, nước Đức sẽ bước vào một thời kỳ mới với đầy thách thức, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại.
Tại thời điểm này, không chỉ người Đức mà nhiều học giả trên thế giới đã bắt đầu “kiểm đếm” di sản của bà Merkel. Điều đầu tiên phải thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel, trong 16 năm qua, nước Đức đã có nhiều thay đổi đáng kể trở thành một cường quốc kinh tế của châu Âu và thế giới.
Trong 16 năm, khi Mỹ và Pháp có tới 4 đời Tổng thống, Anh và Italy cũng thay lần lượt 5 và 9 đời Thủ tướng thì tại Đức vẫn chỉ có duy nhất 1 nhà lãnh đạo, đó là bà Angela Merkel. 16 năm tại vị, bà Merkel từng được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.
Theo Financial Times, từ năm 2005 khi bà Merkel trở thành Thủ tướng ở nhiệm kỳ đầu tiên, nước Đức đã chuyển mình từ “kẻ ốm yếu của châu Âu” trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu.
Một “di sản” nổi bật của bà Merkel chính là tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là với phụ nữ. Cùng đó, khi nhiều quốc gia EU phản đối việc tiếp nhận người nhập cư thì bà Merkel lại “giang rộng vòng tay”. Chính sự mạnh dạn này của vị nữ Thủ tướng đã đem lại cho nước Đức nguồn lao động đáng kể, khi đã tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư (vào năm 2015).
Bà Merkel cũng lấy được uy tín trong những vụ xử lý khủng hoảng. Nổi bật là xử lý khủng hoảng kinh tế, ngoại giao và y tế. Về kinh tế, tính từ năm 2005 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Đức tăng nhanh gấp đôi so với ở Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp.
Carsten Brzeski - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại tổ chức phân tích kinh tế và tài chính ING, đã gọi điều bà Merkel làm được cho nền kinh tế Đức là “phép màu”. Trong khi thu nhập quốc dân cũng như từng người dân nâng lên, thì tỷ lệ thất nghiệp tại Đức trong hơn 10 năm luôn ở mức thấp nhất trong EU.
“Gần 70% người dân cho biết họ hài lòng với khả năng kinh tế của bản thân. Đó là điều không hề dễ dàng đối với bất cứ nguyên thủ quốc gia nào. Điều đó cũng chỉ có thể nói bằng hai từ “phép màu” mà thôi” -TS Carsten nói.
Còn theo Neville Hill - nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse, dù cho có được hưởng thành tựu của Thủ tướng tiền nhiệm, ông Gerhard Schroder, thì điều đó cũng không có nghĩa là bà Merkel “chỉ đứng nhìn nước Đức giàu có lên”.
Ông Neville bày tỏ “sự thán phục” trước cách phản ứng của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, và chính điều đó đã giúp nền kinh tế Đức trụ vững và vượt qua khó khăn.
Oliver Rakau - nhà kinh tế học tại Công ty tư vấn Oxford Economics, cho rằng tới nay nước Đức có tỷ lệ lực lượng lao động nữ cao nhất trong số 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ việc làm của người Đức vẫn gia tăng ngay cả khi mở cửa đón người nhập cư.
Và đại dịch Covid-19 cũng một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của nền kinh tế nước Đức được vun đắp rất chắc chắn, khi mà trong đại dịch người Đức vẫn có cuộc sống khá giả, giống như trước đây.
Còn theo bà Katharina Utermohl - nhà kinh tế cấp cao tại Allianz, thì “con thuyền kinh tế Đức không hề rung chuyển trước bão lớn”.
Chính vì “cái bóng” của bà Merkel quá lớn, nên người ta lập tức chuyển sự chú ý sang tân Thủ tướng Olaf Scholz.
“Thuyền trưởng” Scholz
Ngày 8/12, Quốc hội Đức đã chính thức bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng thứ 9 của Đức. Người ta kỳ vọng ông Scholz sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế lớn nhất của EU, trên nền tảng bà Angela Merkel để lại.
“Chúng tôi đang tiến đến một hành trình mới, một hành trình với những thách thức lớn của thập kỷ này và xa hơn thế nữa” - ông Scholz nói ngay trước lễ nhậm chức.
Chính phủ của ông Scholz sẽ tiếp quản nước Đức với hy vọng thúc đẩy hiện đại hóa quốc gia và chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Hãng tin AP nhận định chính phủ mới sẽ phải đối mặt với thách thức trước mắt là xử lý giai đoạn khó khăn nhất của đất nước từ trước đến nay, do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Scholz chính thức trở thành tân Thủ tướng nước Đức khi liên minh 3 đảng của ông nắm giữ 416 trong số 736 ghế tại Quốc hội Đức. Ông Scholz, 63 tuổi, từng là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính của Đức kể từ năm 2018.
Điều thú vị là ông Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử đưa ông trở thành Thủ tướng nước Đức chủ yếu lại bằng cách thuyết phục cử tri rằng mình có phong cách rất giống bà Angela Merkel. Rành mạch, súc tích và không thể hiện bất cứ cử chỉ đắc thắng nào, ông Scholz không chỉ có phong thái giống người tiền nhiệm, ông còn thấm nhuần khí chất trầm ổn và bình tĩnh của bà Merkel.
Sinh ra ở Osnabruck, miền bắc Đức, Scholz lớn lên ở Hamburg, thành phố mà sau này ông điều hành với tư cách thị trưởng. Ông nội ông làm trong ngành đường sắt, còn bố mẹ ông làm nghề dệt.
Ngay từ thời học đại học, Scholz đã được đánh giá là người nhã nhặn nhưng cũng rất quyết đoán, đặc biệt là luôn ôm ấp hoài bão lớn. Là người luôn biết lắng nghe và chọn lọc khi tiếp thu, ông Scholz cũng không ngại tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Ngay cả các đối thủ trên chính trường cũng phải thán phục bản năng chính trị, sự bền bỉ và niềm tin thầm lặng vào bản thân của ông. 3 năm trước, khi xếp hạng tín nhiệm của đảng ông rơi xuống gần mức thấp kỷ lục, Scholz đã quả quyết với NY Times rằng SDP sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Và điều đó đã trở thành sự thật, khi ông Olaf Scholz chính thức trở thành Thủ tướng nước Đức.
Giống như bà Merkel, ông Scholz nổi tiếng là một người đáng tin cậy và nhã nhặn, có khả năng hóa giải bất đồng đảng phái. Những kinh nghiệm chính trường có thể giúp vị tân Thủ tướng giải quyết những thách thức mà ông phải đối mặt trên cương vị Thủ tướng, trong đó có nhiệm vụ giữ hòa khí cho một liên minh 3 đảng chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Giới quan sát cũng kỳ vọng, nước Đức dưới sự chèo lái của ông Scholz sẽ trở thành chất keo gắn kết châu Âu, sợi dây kết nối xuyên Đại Tây dương.
Theo truyền thống, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Scholz sẽ tới Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron.
“Một châu Âu tự chủ là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của chúng tôi” - ông Scholz nói. “Là quốc gia mạnh nhất về kinh tế và đông dân nhất ở trung tâm châu Âu, nhiệm vụ của chúng tôi là biến định hướng về một châu Âu tự chủ trở nên khả thi, thúc đẩy và phát triển nó”.