Phòng, chống cúm A/H5N1 ở biên giới Tây Nam

Quốc Trung 01/03/2023 06:41

Trước những thông tin về dịch bệnh viêm phổi do virus cúm A/H5N1 gây ra, các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đã chỉ đạo khẩn các lực lượng chức năng, tăng cường biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.

Tỉnh Đồng Tháp tăng cường kiểm tra y tế tại các cửa khẩu.

Sau khi Viện Pasteur TPHCM gửi công văn khẩn đến sở y tế các tỉnh, thành phía Nam về việc tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, các tỉnh ở khu vực biên giới Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ra công điện khẩn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch bệnh gia cầm và xử lý nếu dịch bệnh xảy ra.

An Giang: Giám sát chặt người đi/đến từ vùng có dịch

Ngày 27/2, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm: Yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức kiểm tra phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nghiêm cấm việc mua, bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt người đi/đến từ vùng có dịch cúm A/H5N1; phát hiện sớm các ca bị bệnh cúm/viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng, phối hợp xử lý kịp thời không để lây lan; cần thiết thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh… Đảm bảo nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc cúm A/H5N1, hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.

Về các địa phương khu vực biên giới, UBND tỉnh An Giang cũng chỉ đạo các đoàn kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới; tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới... kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh. Lưu ý các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới, khi phát hiện trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì kiên quyết xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hiện đã thiết lập các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu; khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm tiến hành phun ngừa khử khuẩn; không mua những động vật, gia cầm trôi nổi.

Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Long Bình (tỉnh An Giang) cho biết, sau khi nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh cúm A/H5N1, MTTQ đã tập trung tuyên truyền cho người dân trên các phương tiện thông tin nên bà con ở khu vực biên giới cửa khẩu Khánh Bình chấp hành nghiêm túc, sẵn sàng phối hợp cùng với lực lượng kiểm tra tại cửa khẩu, nghiêm cấm vận chuyển gia súc, gia cầm qua lại hai bên biên giới.

Đồng Tháp: Kiểm soát dòng chảy của sông Sở Hạ

Tối 27/2, tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau khi có công văn khẩn của Viện Pasteur TPHCM địa phương cũng đã tuyên truyền đến người dân nhất là khu vực biên giới, thắt chặt, kiểm soát kỹ ra vào khu vực cửa khẩu; tăng cường kiểm dịch các chốt trạm kiểm dịch...

Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; an toàn thực phẩm.

Trung tá Nguyễn Thành Phước - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Bình (xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Hàng hóa gia súc, đặc biệt là gia cầm tạm thời không cho nhập. Do đây là cửa khẩu phụ nên số lượng gia súc, gia cầm rất ít và số lượng nhỏ chủ yếu là các phương tiện xe máy, xe ba-gác chở hàng qua lại giữa các hộ dân với nhau.

“Tuy nhiên điều đáng lo ngại chính là thói quen của người dân sống hai bên sông Sở Hạ hay vứt rác, xác gia súc, gia cầm chết xuống sông mà không đem đi chôn. Khoảng năm 2005 xảy ra dịch tả lợn châu Phi cũng là do người dân thay vì đem chôn hay thiêu hủy thì lại vứt xuống sông, theo dòng nước trôi đi khiến dịch bệnh lây lan. Vì thế, lần này chúng tôi tăng cường kiểm soát chặt chẽ” - Trung tá Phước cho biết.

Diễn biến dịch cúm A/H5N1 được nhận định khó lường và có xu hướng lây lan mạnh, các địa bàn khu vực biên giới Tây Nam cần chủ động hơn nữa trong công tác kiểm soát, phòng ngừa kịp thời ngăn chặn dịch lây lan qua các đường cửa khẩu, đường mòn lối mở, người dân ở khu vực biên giới cần chủ động tích cực phối hợp cùng với chính quyền, lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống cúm A/H5N1 ở biên giới Tây Nam