Sáng 16/11, dư luận xôn xao khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội cho biết, tại đây vừa nhận được thông tin trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 do Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm. Bệnh nhân là P.N.M., nam, 21 tuổi, là du học sinh tại Nga ngụ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Mặc dù tới trưa ngày 16/11, cộng đồng thở phào nhẹ nhõm khi Bộ Y tế cho biết, kết quả xét nghiệm lại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cả 2 mẫu lấy lại đều là âm tính. Nhưng đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh không hề nhỏ cho tất cả trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang là “cơn sóng thần” tàn phá trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, mùa đông là thời điểm rất thuận lợi để dịch bùng phát trên thế giới và Việt Nam, là cơ hội sinh sôi của các loại virus cúm, bệnh đường hô hấp. Việc chủ quan, mất cảnh giác, lơ là trong các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước khu vực và thế giới ngày càng gia tăng, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn vì số lượng người nhập cảnh tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong cộng đồng đã xuất hiện tư tưởng lơi lỏng, trong khi các nước khác lại đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa đất nước.
Thực vậy, trong cuộc kiểm tra của đoàn liên ngành Hà Nội, gần đây tại phố đi bộ, các thành viên đoàn cho biết có tình trạng người dân có khẩu trang trong túi nhưng họ chỉ đeo khi đi qua chốt kiểm tra, khi vào đến phố đi bộ thì lại… cất khẩu trang đi.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của Hà Nội nhận xét, người dân đến phố đi bộ hầu hết đều mang theo khẩu trang, nhưng nhiều người khi đi qua chốt kiểm soát lại tháo ra bỏ vào túi… Điều này thể hiện rất rõ sự chủ quan, lơ là trong phòng dịch Covid-19
Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, các khách sạn được thành phố cho phép cách ly người nhập cảnh đã triển khai nghiêm túc công tác phòng dịch, cách ly người nhập cảnh. Các trung tâm thương mại cũng quản lý tương đối tốt việc khách ra, vào phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tại khu vực chợ, bến xe, nơi tập thể dục công cộng, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang; tại các khu chung cư, có nơi triển khai tốt, nhưng có nơi vẫn thờ ơ…
Bất chấp theo Nghị định 117/2020, từ ngày 15/11/2020, TP HCM và Hà Nội bắt đầu phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng sáng 16/11, phóng viên Báo Đại Đoàn kết vẫn ghi nhận trên một vài tuyến phố tại Quận Ba Đình, số người tham gia giao thông mà không đeo khẩu trang chiếm tới 30-40%. Tại Chợ Cống Vị - Quận Ba Đình, dù có bảng cảnh báo người dân đeo khẩu trang trước khi vào chợ, nhưng một vài tiểu thương buôn bán tại nơi này vẫn vô tư kinh doanh mà không hề cần đến khẩu trang.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp trong khi Việt Nam vẫn liên tục có các chuyến bay đưa chuyên gia nước ngoài nằm trong dự án phát triển kinh tế sang làm việc.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có các chuyến bay đón công dân Việt về nước (nhiều người thường gọi là “chuyến bay giải cứu”) dành cho bà con đã hết thời gian lao động ở nước ngoài, phụ nữ có thai, trẻ em,…
Đồng thời, đường biên giới trên đất liền Việt Nam giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, ngoài cửa khẩu chính còn có các đường mòn, lối mở để đi lại, giao thương. Dù lực lượng công an, bộ đội đã và đang quản lý rất chặt các lối đi này, tuy nhiên thực tế vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn những trường hợp nhập cảnh trái phép. Đặc biệt do đã hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, một số người bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, hạn chế dần các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
“Tất cả những yếu tố nguy cơ trên có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nước ta bất cứ lúc nào” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ông Tuyên cho rằng, việc tiếp tục duy trì và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch là hết sức cần thiết, là cơ sở để thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch. Trong đó, vấn đề khuyến khích người dân đeo khẩu trang đặc biệt quan trọng.
Từ ngày 15/11/2020, TP HCM và Hà Nội bắt đầu phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng theo Nghị định 117/2020. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trước đây, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp bị áp dụng mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176 ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).