Mùa hè, thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, ký sinh trùng, virus và vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ làm cho mọi người rất dễ bị bệnh làm suy giảm sức đề kháng.
Bên cạnh đó, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao gây ra một số dịch bệnh mùa hè.
Trong các dịch bệnh thường gặp mùa hè, cảm cúm là một căn bệnh không nguy hiểm nhưng có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ, người cao tuổi. Nếu bệnh trở nặng gây biến chứng vào phế quản, phổi, gây viêm phế quản sẽ khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, khó thở, đặc biệt đối với trẻ em, khiến bé hay quấy khóc. Đối với những phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ dễ dẫn tới dị tật cho thai nhi, với những bệnh nhân hay tái đi tái lại có thể không phải là cảm cúm có thể nhầm với các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm. Virus cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi. Các virus có thể lây lan trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại của người bị cúm.
Khi mắc cảm cúm, người dân nên tăng sức đề kháng bằng cách ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, tắm nước ấm đồng thời giữ ấm đôi bàn chân là cách phòng bệnh cúm hoặc mau chóng khỏi bệnh cảm cúm nhanh nhất. Ngoài cảm cúm, sốt xuất huyết (SXH) cũng là dịch bệnh thường gặp vào mùa hè. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có thể truyền từ người này sang người khác. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn thường gặp vào mùa hè vì đây cũng là mùa mưa. Bệnh SXH trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Còn SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra và rất dễ lây lan, có thể lây qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em. Ngoài ra bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Hiện nay đã có vaccine ngừa thủy đậu. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển vào mùa hè, trong đó có bệnh tiêu chảy. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó có nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Để phòng ngừa dịch bệnh mùa hè, người dân cần thực hiện đúng quy trình chế biến một chiều theo quy định. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn. Sử dụng dao, thớt, dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Mang đầy đủ đồ dùng bảo hộ. Không sử dụng các chất phụ gia cấm sử dụng như hàn the, phẩm màu…
Dịch bệnh mùa hè sẽ được đẩy lùi nếu người dân có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Mỗi người hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước và kể cả bản thân luôn sạch sẽ để những dịch bệnh mùa hè sẽ được giảm đi và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình.