Từ khi cây chuối bén rễ đất Phong Thổ (Lai Châu) đã mang lại cho bà con các thôn bản đây một cuộc sống ấm no. Nhờ nguồn thu từ chuối mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, có thêm điều kiện thoát nghèo, nhất là ở những xã như Huổi Luông, Hoang Thèn, Ma Ly Pho...
Nhờ nguồn thu từ chuối mà đời sống của bà con nơi đây ấm no hơn.
Trồng chuối chi phí ít mà thu nhập lại cao, trồng 1 năm nhưng cho thu hoạch được nhiều năm. Chuối có thời điểm được giá đến 14 – 15.000 đồng/kg, rẻ nhất cũng được 6-7.000 đồng/kg. Mỗi buồng chuối có trọng lượng trung bình 12 – 15 kg bán rẻ nhất cũng được gần 100 nghìn. Trung bình một hộ trồng 1ha chuối thì cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm.
Rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã tận dụng những diện tích nương trồng các loại cây như ngô, khoai, sắn không hiệu quả chuyển sang trồng chuối. Cây chuối không chỉ cho người dân tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo mà còn giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm được những vật dụng đắt tiền, mua xe máy làm phương tiện đi lại, một số gia đình còn mua được ôtô để vận chuyển chuối. Trong các xã cũng bắt đầu xuất hiện nhiều triệu phú chuối, mỗi năm có thu nhập đến 300 triệu đồng khiến bà con vô cùng phấn khởi.
Thế nhưng, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, nhiều diện tích chuối tại một số xã trên địa bàn huyện Phong Thổ xuất hiện một số loại sâu bệnh, khiến cây chết hàng loạt. Huổi Luông nơi có diện tích chuối tương đối lớn với trên 900 ha, nếu trước đây cây chuối mang đến cho bà con nhiều niềm vui thì giờ ngược lại là những nỗi lo lắng, hoang mang vì những cây chuối đang mơn mởn là thế giờ cứ chết dần vì sâu bệnh.
Theo thống kê của chính quyền xã Huổi Luông thì đã có khoảng 20 - 30% bị bệnh trong tổng số diện tích chuối của xã. Bà con cũng tìm đủ mọi cách nhưng không hiệu quả. Thậm chí sâu bệnh còn có xu hướng lan rộng thêm. Nhiều hộ gia đình ở đây không còn cách nào khác đã phải chặt bỏ nhiều diện tích chuối bị sâu bệnh.
Theo người dân nơi đây thì những cây chuối bị sâu ăn dẫn đến vàng lá, héo gốc rồi chết. Có cây đương trổ buồng, có cây chưa kịp ra quả, cây có quả rồi thì chất lượng cũng không cao. Diện tích chuối bị bệnh xuất hiện chủ yếu tại những vườn đã trồng từ 3 năm trở lên; diện tích này chiếm khoảng 30% diện tích trồng chuối của toàn xã.
Không chỉ Huổi Luông mà một số xã giáp ranh cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy. Đến thời điểm cuối tháng 3/2017, bà con xã Huổi Luông đã phải chặt bỏ trên 10 héc ta chuối bị nhiễm bệnh nặng, không thể phục hồi nhằm tránh lây lan, ảnh hưởng tới diện tích khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông Tẩn A Sử, thì một phần nguyên nhân do người dân lấy giống chuối tại những vùng bị sâu bệnh về trồng nên đã gây lây lan ra toàn xã.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cây chuối bị sâu bệnh là do già cỗi vì đã được người dân trồng từ 3 đến 5 năm. Hiện cán bộ khuyến nông của huyện cũng đã xuống tìm hiểu tình hình nhưng chưa tìm ra được giải pháp để khắc phục. Cán bộ khuyến nông cũng tuyên truyền bà con trước mắt nên chuyển sang trồng các loại cây khác thay thế như sắn, ngô…những loại cây trồng lâu năm hợp thổ nhưỡng, ít sâu bệnh.