Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc giao lưu và tụ tập đông người trong dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm mùa.
Đỉnh dịch cúm mùa có thể rơi vào tháng 2 đến tháng 4
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch và sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao; cộng với diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông, Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu ca nặng; 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do Influenza virus lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa Đông, Xuân.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm có thể rơi vào khoảng tháng 2 đến 4 và tháng 9, 10 hằng năm.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết lạnh vào mùa Đông, Xuân tạo điều kiện cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm cúm, phát triển và lây lan. Sức đề kháng của con người cũng giảm trong giai đoạn chuyển mùa.
Cùng với đó, việc giao lưu và tụ tập đông người trong dịp Tết và mùa lễ hội làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cúm mùa.
Khuyến cáo các biện pháp dự phòng
Chuyên gia này cho biết thêm, mỗi năm, chủng virus cúm có thể thay đổi, và không có miễn dịch chéo giữa các chủng. Do đó, một người có thể mắc cúm A rồi lại mắc cúm B, hoặc thậm chí mắc cúm A nhiều lần với các chủng khác nhau. Đặc biệt, trong môi trường lớp học đông người, virus cúm dễ dàng lây lan khi có nguồn bệnh.
Mặc dù cúm thường là bệnh tự khỏi và không nhất thiết phải nhập viện, nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não và bội nhiễm. Do đó, khi có dấu hiệu chuyển nặng, đặc biệt ở người già và người có bệnh nền, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.
"Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 đến 7 ngày với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền...", chuyên gia y tế dự phòng cho biết thêm.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh cúm lây lan trong các trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, phụ huynh và nhà trường nên cho học sinh bị cúm nghỉ học.
Đồng thời, các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh khử khuẩn bàn ghế và dụng cụ học tập cần được thực hiện...
Việc tiêm vaccine phòng cúm hàng năm cũng rất quan trọng để tăng cường khả năng chống đỡ với bệnh tật.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cảnh báo, thời tiết chuyển lạnh sau Tết cũng có thể làm gia tăng các bệnh khác như viêm phổi ở trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus và các bệnh có vaccine tiêm chủng nhưng chưa được tiêm đầy đủ như bạch hầu, ho gà, sởi…
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Tiêm vaccine phòng cúm mùa phòng bệnh.
Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.