Giáo dục

Phụ huynh Hà Nội tìm cách giảm áp lực giành ‘tấm vé’ vào lớp 10 cho con

Nguyễn Hoài 11/01/2024 14:43

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn để có “một tấm vé” vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội, nhiều phụ huynh đã chủ động tìm hướng đi riêng phù hợp cho con.

Chủ động tìm phương án dự phòng

Cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nào cũng “nóng” và năm nay cũng không ngoại lệ khi theo thống kê, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của thành phố tăng 5.000 em so với năm 2023.

W_z5060562222313_ba4591ae7c5f242efa5ce83fc1899380.jpg
Học sinh và phụ huynh tra thông tin phòng thi của thí sinh tại kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024.

Áp lực lớn nên thời điểm này, hầu hết học sinh, phụ huynh đều mong muốn thành phố sớm chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để học sinh yên tâm học và ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

Thay vì đặt mục tiêu con phải đỗ vào lớp 10 công lập, năm nay, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phụ huynh đã chủ động lên phương án dự phòng, tìm hướng đi phù hợp cho con.

Tìm hiểu kỹ tỉ lệ chọi, điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn năm 2023, chị Phạm Bảo Thoa (quận Ba Đình), phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) quyết định không đăng ký cho con nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chu Văn An.

Theo chị Thoa, số lượng thí sinh dự kiến đông, đồng nghĩa với tỉ lệ chọi cũng cao hơn năm ngoái nên để có “một vé vào” vào trường công lập tốp đầu sẽ khốc liệt hơn. Chị và con gái đã quyết định đổi nguyện vọng 1 vào một trường công lập khác có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn và dự kiến sẽ nộp hồ sơ vào thi tuyển vào Trường THPT Archimedes Đông Anh.

Chia sẻ về phương án chọn trường vào lớp 10 cho con trong năm học 2024-2025, chị Nguyễn Hoài An (quận Tây Hồ), phụ huynh có con học Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ) kể lại trường hợp gia đình bạn thân chị phải rất vất vả mới tìm được trường THPT cho con sau khi con trượt tất cả các nguyện vọng tại kỳ thi vào lớp 10 công lập năm ngoái.

Rút kinh nghiệm, từ đầu năm học, chị An đã tìm hiểu một số trường THPT tư thục gần nhà. Chị An cho biết: “Học trường tư thục học phí sẽ cao hơn so với trường công lập. Đây cũng là một áp lực lớn với gia đình nếu con không đỗ trường công lập nhưng bù lại con chắc một tấm vé vào lớp 10”.

Tăng cường ôn tập, kiểm tra khảo sát

Không chờ đợi phương án thi vào lớp 10 của TP Hà Nội, khảo sát tại một số trường THCS trên địa bàn thành phố cho thấy, các trường cũng đã chủ động kế hoạch dạy học, ôn tập và khảo sát hàng tháng lực học của học sinh để kịp thời hỗ trợ các em.

Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) hiện có 9 lớp 9 với tổng số 313 học sinh. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, thầy Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy đối với học sinh lớp 9.

W_z5060562205298_19e442bf93a72bb73bd2ec7e8f1f46d6.jpg
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024.

Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên có chuyên môn tốt nhất, nhiệt tình, trách nhiệm giảng dạy, xây dựng kế hoạch khảo sát chất lượng hàng tháng đối với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhằm tạo động lực cho học sinh học tập tốt hơn, ý thức được nhiệm vụ của năm học cuối cấp.

Bên cạnh đó, từ đầu năm học, nhà trường đã sắp xếp các môn: Toán, Ngữ văn mỗi môn thêm 1 tiết; đồng thời, rà soát những học sinh có học lực yếu, kém ở các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng thêm miễn phí.

Giai đoạn này, học sinh đã bước vào học kỳ II. Từ nay tới kỳ thi chuyển cấp là thời điểm quan trọng đối với học sinh, vì vậy, thầy Hiệp cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập và bồi dưỡng chi tiết cả 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn thi thứ tư (nếu có) cho học sinh lớp 9 với số tiết ôn tập nhiều hơn so với học kỳ I.

Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ đầu học kỳ II đến khi tất cả các môn học đã kết thúc, giai đoạn 2 sau khi kết thúc các môn học, nhà trường sẽ chỉ tổ chức ôn tập cho học sinh các môn thi vào lớp 10 THPT.

Song song với việc triển khai ôn tập, nhà trường vẫn tiến hành khảo sát định kỳ hàng tháng như đã làm ở học kỳ I, đồng thời các bộ môn phải có kế hoạch kiểm tra từng nhóm đối tượng học sinh hàng tuần, để đảm bảo mọi học sinh đều được kiểm tra, đánh giá chính xác kiến thức, kỹ năng làm bài của chính mình.

“Với những học sinh không có sự tiến bộ, giáo viên sẽ liên hệ với gia đình để trao đổi với phụ huynh để họ nắm được việc học tập của con em mình và có biện pháp phù hợp giúp các con học tập tốt hơn. Trong giai đoạn nước rút, cha mẹ tiếp tục đồng hành cùng con, tạo cho con tâm lý thoải mái, để con nỗ lực đạt được ước mơ theo đúng năng lực, sở trường”, thầy Hiệp chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh Hà Nội tìm cách giảm áp lực giành ‘tấm vé’ vào lớp 10 cho con