Giáo dục

Phụ huynh không tiếc tiền, 'mạnh tay' chi phí giữ chỗ cho con vào lớp 10 trường tư

Nguyễn Hoài 05/03/2024 10:46

Trong khi chờ đợi Sở GDĐT chốt số môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025, nhiều phụ huynh đã mạnh tay chi phí giữ chỗ vào trường tư thục cho con, dự phòng trường hợp con không thi đỗ vào trường công lập.

Hiện nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh và các khoản tiền cần nộp. Đây là khoản “tiền cọc” hay còn được phụ huynh gọi là phí giữ chỗ.

Theo quy định của hầu hết các trường, phí này sẽ không được hoàn trả lại nếu học sinh không nộp hồ sơ nhập học tại trường. Còn nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ vào các chi phí.

W_z4417024729971_5562f100cdfc12a7ff8062eced15bc8d.jpg
Phụ huynh và học sinh tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 tại Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên, mức phí giữ chỗ của các trường hiện dao động từ hơn 1 triệu đồng lên tới 23 triệu đồng.

Một số trường tư đưa ra số “tiền cọc” thấp nhất hiện nay như: Trường THPT Phan Bội Châu (Hà Đông) 1,2 triệu đồng/học sinh, Trường THPT FPT (Thạch Thất) 2 triệu đồng…

Tương tự, phí nhập học của Trường THPT Đoàn Thị Điểm là 2 triệu đồng/học sinh. Nhà trường yêu cầu học sinh hoàn thành xác nhận thủ tục nhập học trước ngày 25/5 và không hoàn trả lại phí này nếu học sinh không xác nhận nhập học.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Xuân) tuyển sinh 6 lớp gồm: 3 lớp chất lượng cao, 3 lớp cơ bản. Nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ từ nay cho tới khi đủ chỉ tiêu của Sở GDĐT Hà Nội giao với phí nhập học là 3 triệu đồng/học sinh.

Trong khi đó, một số trường tư thục đưa ra mức phí nhập học khá cao, trên 10 triệu đồng như: Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 11 triệu đồng/học sinh; Trường THPT Newton 12 triệu đồng; Trường THPT Lương Thế Vinh 15 triệu đồng; Trường THPT Hà Nội Academy (Tây Hồ) 20 triệu đồng… Học phí các trường này phổ biến ở mức 7-20 triệu đồng một tháng.

Trường có phí nhập học cao nhất tính tới thời điểm ngày 5/3 là Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) với 23 triệu đồng/học sinh. Học phí hàng tháng của trường là 8 triệu đồng.

Khoản “tiền cọc” để giữ chỗ cho con không hề nhỏ nhưng hiện nhiều phụ huynh đã mạnh tay chi tiền để giúp con nắm chắc một suất dự phòng nếu không đỗ vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025.

Anh Nguyễn Duy Linh, phụ huynh học sinh có con học lớp 9H, Trường THCS Trung Phụng (Đống Đa) cho hay, trong khi chờ TP Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10, gia đình anh đã chủ động tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một số trường tư thục có tiếng trên địa bàn thành phố và đã quyết định đăng ký nhập học cho con vào một trường có mức phí giữ chỗ là 5 triệu đồng.

Anh Linh cho biết: “Dù con có đỗ trường công lập, không nhập học trường tư thì việc mất vài triệu nhưng con được giảm áp lực thi cử, cả nhà tôi không tiếc. Hiện cả con và vợ chồng tôi đã bớt lo lắng hơn rồi”.

Đặt chỗ vào một trường tư thục cho con đang được hầu hết phụ huynh lựa chọn xem đây là giải pháp an toàn, giúp các con giảm áp lực tâm lý.

Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ) vừa đăng chuyển gần 7 triệu tiền cọc cho con vào một trường tư thục cho biết: “Áp lực thi vào lớp 10 công lập càng ngày càng tăng. Thế nên, chi vài triệu để phụ huynh và con yên tâm tôi cũng chấp nhận”.

Phí giữ chỗ vào các trường tư thục đã gây tranh cãi từ nhiều năm nay. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi khoản “tiền cọc” của các trường đưa ra khá cao. Việc phụ huynh đua nhau chi phí giữ chỗ góp phần làm kinh tế cho các trường.

Theo thống kê, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của thành phố tăng 5.000 em so với năm 2023. Áp lực tăng, trong khi đó, tới thời điểm này, TP Hà Nội vẫn chưa chốt số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm 3 môn thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Môn thi thứ tư, nếu có, sẽ công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ tư được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục THCS hiện hành của Bộ GDĐT.

Hiện, phụ huynh, học sinh và giáo viên tại Hà Nội đều bày tỏ mong muốn, thành phố sớm chốt số môn thi với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhằm giảm áp lực cho học sinh.

Năm học 2024-2025, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng phương án tuyển sinh.

Sở yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tuyển sinh lớp 10. Theo đó, các trường THPT công lập, tư thục trên địa bàn thành phố đều phải xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển sinh trực tuyến, không còn duy trì song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến như các năm học trước nữa.

Đây là giải pháp mới của ngành GDĐT Hà Nội trong kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025 so với các năm học trước nhằm bảo đảm minh bạch, công bằng, khách quan trong tuyển sinh, đồng thời, góp phần giải quyết hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh không tiếc tiền, 'mạnh tay' chi phí giữ chỗ cho con vào lớp 10 trường tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO