Những ngày đầu và giữa tháng 7, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có mưa to kéo dài, đập thuỷ điện xả nước khiến mực nước trên các con sông dâng cao đột ngột, kéo theo đó là tình trạng sạt lở bờ vở sông. Ảnh: Tuấn Trung. Theo người dân, nhiều năm nay họ mới thấy nước dâng cao đến thế, việc sạt lở khiến cây cối, hoa màu bị trôi theo dòng nước, kinh tế bị ảnh hưởng. Ảnh: Tuấn Trung. Do nước dâng cao, chảy xiết, các tàu không thể di chuyển nên đành neo đậu vào khu vực an toàn ở khu 1, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tuấn Trung. Theo báo cáo của UBND xã Tiên Du, trên địa bàn khu 1 cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất bãi bồi và thiệt hại về hoa màu, cây trồng của khoảng 5 hộ dân. "Trước những đợt hồ thuỷ điện xả lũ, dự báo có mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương đều lên phương án ứng phó, đồng thời thông báo cho người dân biết để phòng tránh thiệt hại. Tuy nhiên, việc sạt lở là không thể tránh khỏi", ông Nguyễn Phúc Suyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Ninh cho biết. Sạt lở tại khu 10, xã Trị Quận (huyện Phù Ninh) khiến đất đai và hoa màu bị nước cuốn trôi, có đoạn sạt lở chỉ cách khoảng vài chục mét là nhà của gia đình bà Trần Thị Liên. Ảnh: Tuấn Trung. Tại khu 13 - 14 xã Dân Quyền (huyện Tam Nông), tình trạng sạt lở cũng diễn ra cuối tháng 6/2024, khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Tuấn Trung. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận vừa qua đã có 2 khu vực xảy ra sạt lở bờ vở sông tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao (chiều dài khoảng 250m, rộng khoảng 10m, cách nhà dân khoảng 80m) và xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (chiều dài khoảng 1km, rộng khoảng 3m, ảnh hưởng tới diện tích đất thổ cư của 14 hộ dân thuộc khu 4, khu 5 xã Xuân Áng). Ảnh: CSGTĐT. Đối với tất cả các điểm sạt lở, lực lượng chức năng đều chăng dây, cắm biển quảng cáo nguy hiểm cho người dân được biết. Ảnh: CSGTĐT.