Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ vào cuộc quyết liệt nhằm “chặn đứng” tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, tình trạng này vẫn diễn ra.
Theo thông tin phản ánh, phóng viên có mặt tại bãi bồi hai luồng (khu Vĩnh Lại, xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ). Tại đây, phóng viên ghi nhận chiếc máy xúc 200 đang hoạt động, múc cát sỏi lên thùng xe khoảng 10m3. Cạnh đó, nhiều chiếc xe khác đang chờ đến lượt “ăn hàng”.
Sáng 12/7, phóng viên tiếp tục có mặt và vẫn thấy tình trạng khai thác cát tại đây. Chiều 12/7, tình trạng khai thác cát không còn diễn ra, máy móc đã được di chuyển đi.
Khi đến UBND xã Hùng Xuyên thì thấy chiếc máy xúc và một chiếc xe mang BKS: 19H-019.23 trên thùng chứa đầy cát sỏi đậu ở sân. “Máy xúc và chiếc xe đấy bị xã bắt sáng nay, công an đang làm rõ ai là chủ phương tiện. Trước đây, xã cũng đã từng bắt một số thuyền hút trộm cát”, ông Phạm Hồng Anh, cán bộ văn phòng UBND xã Hùng Xuyên nói với PV Đại Đoàn Kết.
Còn theo ông Trương Quý Lâm, Chủ tịch UBND xã Hùng Xuyên, trên địa bàn không có bến bãi, mỏ cát nào được phép hoạt động. “Sau khi nhận phản ánh của khu về việc có tình trạng khai thác cát trái phép, sáng 12/7, xã đã tổ chức lực lượng xuống hiện trường bắt, thu giữ phương tiện. Hiện, Công an xã đang phối hợp với Công an huyện Đoan Hùng điều tra làm rõ chủ nhân của những phương tiện trên, cũng như ai là người tổ chức khai thác và số cát đã bị khai thác trái quy định là bao nhiêu để xử lý theo quy định”, ông Lâm cho biết thêm.
Tìm hiểu thêm được biết, trước đây, huyện Đoan Hùng nói chung và xã Hùng Xuyên nói riêng xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Sau nhiều nỗ lực ngăn chặn, nạn khai thác cát trái phép tạm thời lắng xuống. Nhưng, thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Tại Điều 48, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định: Hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt từ 20 triệu đồng - 200 triệu đồng (tương ứng khoáng sản đã khai thác trái phép dưới 10m3 đến trên 50m3). Đồng thời tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...
Ngoài những mức xử phạt vi phạm hành chính như trên, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự. Tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cụ thể: Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng…