Ngày 24/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Tòa đã tuyên hình phạt y án sơ thẩm.
Theo HĐXX, sau bản án sơ thẩm, 6 bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Thanh Tuyền đều đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền đã xin rút đơn kháng cáo. Do đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Tuyền.
Tòa phúc thẩm cũng nhận hơn 30 đơn của CDC thuộc các tỉnh, thành phố xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đáng chú ý, trong số các đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có đơn của Giáo sư Phạm Ngọc Đính (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và Giáo sư Vũ Sinh Nam (Nguyên Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng). Có 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND TP Hà Nội xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước, đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản án sơ thẩm nêu rõ: “Trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân đang tập trung tối đa sức người, sức của để phòng, chống dịch thì các bị cáo thuộc CDC Hà Nội đã không nêu cao trách nhiệm mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, vi phạm pháp luật”.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khởi xướng và trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu nên có vai trò cao nhất. Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh với vai trò là Trưởng phòng Tài chính kế toán, thành viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ đã không làm tròn chức trách tham mưu giúp việc cho lãnh đạo các vấn đề liên quan tài chính đơn vị, đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu.
Bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST, là đơn vị trúng thầu) với động cơ vụ lợi đã trực tiếp xây dựng hồ sơ dự thầu, sử dụng thủ đoạn mua đi, bán lại thiết bị nhằm nâng giá bán lên đúng như giá đã thỏa thuận nên cùng có vai trò thứ hai với bị cáo Thanh.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung, với chức trách, nhiệm vụ của mình đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu. Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất khởi xướng việc nâng giá bán nhằm mục đích kiếm lời. Bị cáo Nhất có vai trò cầu nối giữa CDC Hà Nội và bị cáo Vinh, tích cực thực hiện hành vi vi phạm nên có vai trò thứ ba...
Theo đó, CDC Hà Nội được cấp kinh phí để mua sắm gói thầu số 15 gồm máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19. Bị cáo Cảm đã chỉ đạo và giao nhân viên dưới quyền thuộc CDC hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Cty MST trúng thầu với giá hơn 9,5 tỷ đồng. Trong khi đó, trên thực tế số thiết bị này có giá 4,1 tỷ đồng, nên các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt: Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng lãnh 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội) cùng nhận 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) cùng lãnh 5 năm tù. Hai bị cáo Lê Xuân Tuấn (cựu cán bộ CDC Hà Nội) và Hoàng Kim Thư (cựu kế toán trưởng CDC Hà Nội) cùng nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX đã tiếp tục xét hỏi các bị cáo và dành thời gian cho các luật sư bào chữa đưa ra câu hỏi đối với các bị cáo, để đưa ra được những tình tiết giảm nhẹ có thể được xem xét. Đại diện bị hại (CDC Hà Nội) cũng mong muốn giảm án cho các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của CDC Hà Nội.
Sau một ngày xét xử, HĐXX đã nhận định, bản án mà Tòa sơ thẩm tuyên phạt là có căn cứ, đúng quy định, không oan. HĐXX không chấp nhận kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, giữ nguyên hình phạt bản án sơ thẩm.
Theo đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án với các bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm (58 tuổi) 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (42 tuổi) 6 năm, 6 tháng tù; Nguyễn Kim Dung (48 tuổi) 6 năm tù; Đào Thế Vinh (46 tuổi) 6 năm, 6 tháng tù; Nguyễn Trần Duy (41 tuổi) 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh (46 tuổi) 5 năm tù.