Ông Trần Trung Toàn (Điện Biên) nhập ngũ từ tháng 3/1996, xuất ngũ tháng 9/1998. Sau đó ông học trường Cao đẳng sư phạm, đến ngày 1/10/2000 được tuyển dụng làm giáo viên tại 1 trường THCS đến nay là 16 năm liên tục, hệ số lương là 3,66. Ông Toàn hỏi, thời gian đi bộ đội của ông có được tính để hưởng chế độ không?
Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 1/1/1995 đã được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo một trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thì được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội trước đó với thời gian có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ quy định nêu trên, theo trình bày, ông xuất ngũ tháng 9/1998, do đó không thuộc đối tượng được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi thôi công tác.