Lỗi ở khâu nào thì luật đã phân biệt rõ ràng
Hôm qua (18/11), trong phiên chất vấn- trả lời chất vấn tại Quốc hội, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Trần Du Lịch (TP HCM).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên chất vấn -
trả lời chất vấn ngày 18/11. Ảnh: Hoàng Long.
Trả lời ĐB về việc phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương, Chủ tịch QH cho rằng, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội liên quan đến Hội đồng nhân dân địa phương, thì đã có phân cấp, có những việc giao nhiệm vụ để Chính phủ, Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn.
Chủ tịch QH nói: “Tôi thấy không cần ban hành một luật riêng về phân cấp quan hệ giữa Trung ương với địa phương. Hãy cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt Luật Tổ chức Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hướng dẫn của mình sẽ phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Luật Chính quyền địa phương cũng đã nêu rõ là trách nhiệm của địa phương đến đâu, trách nhiệm của Chính phủ đến đâu”.
Về HĐND, Chủ tịch QH cho biết: Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã có phân cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn sẽ có những quy định cần thiết. Tuy nhiên, phân cấp gì thì trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ.
Trả lời ĐB về lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan sai thì bồi thường có phân biệt không, hay cứ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để bồi thường? Việc này luật có cần bổ sung gì không? Chủ tịch QH nói dứt khoát: Lỗi nào ở khâu nào thì luật đã có phân biệt rõ ràng.
“Có thể nói Luật Bồi thường, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chúng ta sắp sửa thông qua Luật về cơ quan điều tra đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân. Trong cá nhân phân biệt xem mức bồi thường của cá nhân phải chịu là do yếu kém hay do cố ý. Nếu cố ý làm sai còn bị hình sự, không chỉ bồi thường. Luật của Quốc hội ban hành quy định như vậy tương đối đủ, rõ ràng. Cho nên, tôi thấy chưa cần phải đề xuất với Quốc hội về việc bổ sung luật này. Trong quá trình nghiên cứu, làm, nếu có vấn đề gì xuất hiện thì chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm”.
Về quy trình ban hành luật, Chủ tịch QH cho rằng, hiện rất rộng, tuy nhiên “Chính phủ là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất trình luật để Quốc hội ban hành; và đấy là một chủ thể quan trọng. Bởi Chính phủ là cơ quan hành pháp. Thực tế cuộc sống đòi hỏi cơ quan hành pháp nắm được vấn đề thực tiễn nhu cầu của cuộc sống, cũng như nắm được yêu cầu của công tác quản lý để trình Quốc hội ban hành luật, từ đó quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao tốt hơn.
Đây là chủ thể chính trong đề xuất các bộ luật của chúng ta. Còn các chủ thể khác hiện nay cũng vẫn có đề xuất”. Chủ tịch QH cho biết thêm, ĐBQH cũng có thể đề xuất nhưng cho đến nay chưa có đại biểu nào đề xuất sáng kiến một dự án luật nào.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Sau phản ánh của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Bộ TNMT đã tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh ngay việc thực hiện ở địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 102 ngày 10-11-2014, trong đó quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mà chậm làm thủ tục kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, thì theo mức thời gian chậm, số trường hợp chậm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng. Đối với thành phố Hà Nội, số lượng giấy chứng nhận đã cấp tăng lên, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại đô thị của Hà Nội đã đạt 92,2%. Việc cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở năm 2015 tăng 22,2% so với năm 2014. Trước đây, Hà Nội giải quyết cấp giấy chứng nhận khoảng 80.000 hồ sơ/năm, từ khi có văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp, chỉ trong 10 tháng năm 2015 đã hoàn thành được 120.000 hồ sơ, chưa kể hồ sơ đề nghị cấp mới. |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Đã kiến nghị xử lý kinh tế 3.300 tỷ đồng Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng cho biết, nếu đấu thầu không đảm bảo minh bạch thì sẽ thất thoát khi chúng ta không kiểm soát chặt dự toán ban đầu. Qua kiểm tra các dự toán ban đầu, các địa phương, các ngành số liệu báo cáo năm 2013 đã cắt giảm 9,2%, năm 2014 cắt giảm được 5,39% và 9 tháng đầu năm 2015 thì cắt giảm được 5,66% tổng dự toán công trình trình để cơ quan nhà nước thẩm định sau đó đưa vào đấu thầu, như vậy về cắt giảm trong dự toán khoảng trên 5%. Ngoài ra với trách nhiệm kiểm soát quá trình xây dựng, trong đó có thanh tra xây dựng, năm 2011 - 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành 286 đoàn kiểm tra, công bố 267 kết luận và ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.300 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 82.000 tỷ đồng. |