Đề xuất thành lập cơ quan kiểm soát tài sản

M.Loan-H.Vũ 14/06/2018 08:10

Ngày 13/6, Quốc hội dành thời gian cả ngày để thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Các đại biểu đã đưa ra các biện pháp nhằm xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có việc xử lý tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc. Đặc biệt nhiều ĐB đã đề xuất thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản.

Đề xuất thành lập cơ quan kiểm soát tài sản

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) phát biểu tại hội trường ngày 13/6. Ảnh: Quang Vinh.

Có nên mở rộng ra khu vực tư?

Đồng tình việc Dự thảo Luật lần này là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng quy định như trên phù hợp với xu thế quốc tế, Bộ luật Hình sự 2015 và trong thực tế nhiều khi hành vi hối lộ, nhận hối lộ xuất phát từ chính các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên chỉ nên tập trung vào các công ty đại chúng, tổ chức tài chính bởi đây là những đơn vị có sự góp vốn của nhiều cổ đông, người dân.

ĐB Lê Thị Thủy (Hải Dương), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho rằng, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước với những bước đi thận trọng là phù hợp. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cũng rất quan trọng do đó mở rộng ra đối tượng ngoài nhà nước nhằm cụ thể hóa chủ trương quan điểm của Đảng, phù hợp với các Công ước của Liên hợp quốc trong PCTN.

Dẫn ra chuyện “sân sau”, “gửi giá”, “lại quả” xảy ra ở nhiều cơ quan ngoài nhà nước, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, Dự thảo Luật mở rộng phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là phù hợp. Tuy nhiên theo bà Thủy, nhiều quy định trong Dự thảo Luật liên quan đến vấn đề này chưa khả thi, có thể gây khó cho doanh nghiệp nên cần được đánh giá lại kỹ lưỡng.

Không đồng tình, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đang có sự nhầm lẫn vì Luật PCTN chỉ là con dao chứ không phải công cụ duy nhất để PCTN mà PCTN còn có nhiều luật khác như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức viên chức.

Theo ông Nhưỡng, nhiều cử tri lo ngại là hiện chỉ với khu vực công đã rất nhiều việc, Nhà nước còn mở ra khu vực tư nữa thì lấy người đâu mà làm? Rồi ông đưa ra phân tích: “Một anh hối lộ để chạy chức quyền cho con, nếu nói anh ta tham nhũng thì khó chấp nhận. Người tham nhũng ở đây phải là người nhận hối lộ để giúp chạy chức. Anh ta phạm tội hối lộ là rõ ràng, nhưng nói anh ta tham nhũng có vẻ không công bằng. Người nhận hối lộ đó chính là người tham nhũng, bởi vì có chức, có quyền. Do đó nên cân nhắc tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công”.

Đề xuất thành lập cơ quan kiểm soát tài sản - 1

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: Quang Vinh.

Cần cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản

Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, trong bối cảnh tham nhũng còn diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá, do đó việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

“Để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, Dự thảo Luật cần có một cơ quan độc lập để kiểm soát vấn đề này. Việc này có thể làm tăng biên chế, trái với chủ trương chung của Việt Nam trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay, tuy nhiên với việc hệ trọng như thế này, đáng đầu tư”-bà Xuân kiến nghị.

Theo ĐB Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nếu mở một cơ quan độc lập như đề xuất trên không hề tăng biên chế. Bởi hiện nay, Việt Nam đang có 3 cơ quan có chức năng PCTN cấp cục đang nằm ở các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an.

“Nếu quyết tâm thành lập một cơ quan mới thì hoàn toàn có thể lấy người từ đây. Vừa có chuyên môn, kinh nghiệm lại không tăng biên chế”-ông Pha phân tích.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay, kể cả lương thưởng, buôn bán, trúng vé số đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập cá nhân hiện được quản lý khá khoa học, chính xác.

“Vậy tại sao chúng ta không có thêm quy định yêu cầu kê khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị trí dễ có nguy cơ tham nhũng để người dân, các cơ quan chức năng có thể giám sát. Không có lý do gì mà một người một năm chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân có một vài triệu mà lại mua được nhà, mua được xe cả. Vì vậy, cần quản lý chặt vấn đề này”-ông Hiếu đặt vấn đề.

Đề xuất thành lập cơ quan kiểm soát tài sản - 2

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên). Ảnh: Quang Vinh.

Còn ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) nhìn nhận, nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. Theo ông Vảng, trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế 45%, tuy nhiên nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự.

Phát huy vai trò của Mặt trận, nhân dân trong chống tham nhũng

ĐB Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho rằng, cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác PCTN, đặc biệt là những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương và sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Nhân dân mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng do đó Luật cần quy định đưa tổ chức Đảng vào lực lượng PCTN vì vừa qua, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra trung ương rất hiệu quả. Đồng thời, theo ông Việt, Luật phải quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác này, bởi PCTN là sự nghiệp của toàn dân; cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, đoàn thể nhân dân đối với người đứng đầu.

Những vùng cấm đã được mở toang

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), năm 2017 cùng với sự phấn khởi, lạc quan về thành tựu kinh tế - xã hội công tác chống tham nhũng bước vào khí thế mới. Những vùng cấm, những thành lũy xưa kia nhiều người hoài nghi khó lòng động tới thì nay cánh cửa được mở toang. Chúng ta đau vì mất cán bộ, đau vì ngân sách nhà nước bị thất thoát qua những vụ tham nhũng, tuy nhiên cũng mừng vì tham nhũng tưởng chừng như căn bệnh trầm kha, mãn tính nay đã phản ứng tốt với phương thuốc đúng liều. Theo ông Nhân, Dự thảo Luật PCTN đang được bàn thảo như “biệt dược” để góp phần xử lý “căn bệnh” tham nhũng.

M.Loan-H.Vũ