Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 2)
Đại Đoàn Kết Online đăng toàn văn “Dự thảo Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024”.
(tiếp theo phần 1)
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI tổ chức ngày 25/7/2019.
2. Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức phát động, đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ phát động; kế thừa và phát huy kết quả 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ngày 15/11/2015, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động, triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Được sự quan tâm lãnh đạo kịp thời của Đảng, phối hợp của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, cuộc vận động nhanh chóng được tổ chức triển khai sâu rộng đến cơ sở. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống Nhân dân, Mặt trận đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Đồng thời với tuyên truyền, vận động, Ủy ban Mặt trận các cấp đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ giám sát và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Điểm nổi bật là Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương tập trung chỉ đạo điểm, nhân rộng các mô hình tự quản, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu ở cơ sở; tích cực lồng ghép tuyên tuyền, vận động bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến nay, trong cả nước đã phát triển rộng khắp các mô hình Nhân dân tự quản, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Một số tổ chức thành viên triển khai hỗ trợ vốn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đoàn viên, hội viên tham gia hợp tác xã... Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước (tính đến tháng 8/2019, cả nước có 4.475 xã (đạt 50,26%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 84 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới).
Chương trình vận động chăm lo giúp đỡ cho người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới, trong đó Mặt trận vừa vận động các nguồn lực vào Quỹ vì người nghèo các cấp vừa hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp triển khai giúp đỡ cho người nghèo và các địa phương; chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm Mặt trận chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Trong nhiệm kỳ, hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được 19.703 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, vận động quỹ “Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Đồng hành với Mặt trận, các tổ chức thành viên đã có nhiều chương trình hoạt động, kêu gọi, vận động xã hội chăm lo, giúp đỡ đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế trong xã hội.
Với đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, nhất là vào các dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7) hằng năm. Ủy ban Mặt trận đã chủ trì vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội...
Để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào nhiều khu vực trong cả nước, đặc biệt là đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chịu thiệt hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và các trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các cấp thường xuyên quan tâm các hoạt động cứu trợ, chủ trì phát động, kêu gọi, vận động giúp đỡ, quản lý chặt chẽ và kịp thời phân bổ các nguồn hỗ trợ. Trong nhiệm kỳ, ở cấp Trung ương đã vận động và phân bổ giúp đỡ, cứu trợ số tiền 140,5 tỷ đồng, các địa phương vận động, cứu trợ 696,6 tỷ đồng.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai với nhiều giải pháp mới góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân trong ưu tiên phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Mặt trận đã phối hợp đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 107- KL/TW ngày 10/4/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020”; tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; đề xuất các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa có chất lượng; kiểm soát mua sắm công sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước; thúc đẩy hình thành các kênh phân phối sản phẩm trong nước đến với người tiêu dùng; tham gia kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam, các sản phẩm có chất lượng, vì người tiêu dùng. Ở các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm ưu tiên dùng hàng Việt, mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm... Ban chỉ đạo Trung ương đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động trong phạm vi cả nước để đánh giá kết quả, đề ra giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới.
Nhằm phát huy sáng kiến, sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; hằng năm phối hợp tổ chức tuyển chọn, biên tập, công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” để giới thiệu các công trình sáng tạo khoa học tiêu biểu trong Nhân dân. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã nâng cao chất lượng các giải thưởng sáng tạo trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Hưởng ứng thực hiện các chủ trương của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, với vai trò chủ trì hiệp thương và phối hợp thống nhất của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình trong công nhân có phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; trong nông dân có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; trong thanh niên có phong trào “Học tập sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Sáng tạo trẻ”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; trong phụ nữ có phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; trong lực lượng cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”; trong quân đội Nhân dân có phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam duy trì phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Hội Khuyến học Việt Nam có phong trào “Thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai “Chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam”; trong đồng bào Công giáo có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo”; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai phong trào thi đua “Hợp tác xã tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo - xây dựng nông thôn mới”… Các phong trào thi đua của các tổ chức thành viên ngày càng tập trung hướng về cơ sở, góp phần động viên, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường trong các tầng lớp Nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi, nhất là cơ sở còn chồng chéo, hiệu quả phối hợp chưa cao. Hoạt động của Mặt trận trong lĩnh vực vận động xây dựng đô thị văn minh còn chưa rõ nét về phương thức và hiệu quả. Công tác vận động hỗ trợ giảm nghèo mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả giảm nghèo bền vững chưa cao. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo” chưa thực sự phát triển rộng rãi đến các khu vực, địa bàn cơ sở.
3. Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh
Nhiệm kỳ Đại hội VIII MTTQ Việt Nam đã khẳng định một giai đoạn phát triển mới trong công tác phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; xây dựng chương trình hành động và phổ biến, triển khai sâu rộng nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với các tầng lớp Nhân dân, đoàn viên, hội viên, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện quy định của Đảng về “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, ở nhiều địa phương, Mặt trận đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Hưởng ứng quyết tâm chính trị của Đảng về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020”; phát động và trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm “Thực trạng, giải pháp Mặt trận tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; duy trì tổng hợp và xử lý thông tin nhanh hằng tuần phản ánh trên báo chí về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận đã góp phần tạo dư luận lên án mạnh mẽ, phát huy sức mạnh của Nhân dân, nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, vì Nhân dân phục vụ.
Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham gia chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Mặt trận đã tham gia các Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp; chủ trì lựa chọn, giới thiệu người để Hội đồng nhân dân các cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân.
Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận và các tổ chức thành viên là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương xã hội.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ là Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành Nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 13 chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực: chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật khoa học và công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố đã tham mưu đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền ưu tiên lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế-xã hội, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó khăn, nhạy cảm như bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận các cấp giám sát có hiệu quả. Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong Nhân dân đã được các cấp ủy, chính quyền tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp Nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc.
Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước. Mặt trận tích cực tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng như: Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Dự án Luật giáo dục sửa đổi… Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước ngày càng có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 38.180 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những lĩnh vực, vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, phản ánh; đồng thời thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Mặt trận thông qua các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch. Thông qua việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp và việc tham gia xây dựng pháp luật, thể chế và các cơ chế, chính sách, Mặt trận đã thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung Quy chế dân chủ; tích cực tham gia bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, công tác hòa giải ở cơ sở; vận động Nhân dân tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư. Việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào nề nếp. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận mới chỉ tập trung nhiều ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao, chủ yếu phối hợp thực hiện theo chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chưa tổ chức được nhiều chương trình giám sát độc lập; chưa có cơ chế thích hợp phát huy tốt vai trò giám sát thường xuyên của Nhân dân tại cộng đồng. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Ở một số địa bàn, Mặt trận chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nội dung, hình thức và giải pháp công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa rõ nét, kết quả còn có mặt hạn chế ở địa phương, cơ sở.
4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân của Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng được mở rộng, ngày càng chất lượng và hiệu quả.
MTTQ Việt Nam đã duy trì và phát triển quan hệ thường xuyên với các tổ chức Nhân dân của các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN, các địa bàn trọng điểm, các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam, đặc biệt chú trọng tăng cường phát triển mối quan hệ với các đối tác truyền thống như: Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên. Duy trì tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước, thực hiện bản ghi nhớ “Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước”; tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và năm đoàn kết Việt Nam -Campuchia, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia; duy trì trao đổi đoàn cấp cao; tăng cường hỗ trợ, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác; tổ chức các hội nghị xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới. Triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi đoàn và lần đầu tiên tổ chức thành công giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và 7 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với Chính hiệp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây và Chính hiệp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới: Hiệp hội Nhân dân Singapore, Hội liên hiệp bình đẳng xã hội toàn Liên bang Đức, Phòng xã hội Liên bang và Mặt trận Nhân dân toàn Nga, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Môi trường Pháp. MTTQ Việt Nam là thành viên và đóng góp tích cực cho các hoạt động của Hiệp hội quốc tế các Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các tổ chức tương đương.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam giữ mối quan hệ thường xuyên với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, đại sứ các nước tại Việt Nam. Thông qua tiếp xúc, gặp gỡ nhằm giới thiệu về chính sách đối ngoại của đất nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, về vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên; tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiệm kỳ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đón 40 đoàn quốc tế đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức 35 đoàn công tác, nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2019”. Các tổ chức thành viên như: Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… phát triển mạnh mẽ, đa dạng các hình thức đối ngoại Nhân dân, triển khai nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác với các đối tác của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thu hút các nguồn tài trợ; tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, phân giới, cắm mốc trên đất liền; đấu tranh chống sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch…
Hoạt động đối ngoại Nhân dân của các địa phương ngày càng được chú trọng, thiết thực và hiệu quả hơn. Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên ở các thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi hợp tác, giao lưu với các đoàn đại biểu, các tổ chức quốc tế, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, trao đổi đoàn với các địa phương của các nước; Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên các địa phương có tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam… tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với du khách và bạn bè quốc tế. Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên các địa phương có chung đường biên giới với các nước bạn Lào, Campuchia và Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động kết nghĩa, giao lưu, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hòa bình, bảo vệ và giữ gìn đường biên, mốc giới và hỗ trợ lẫn nhau trong xóa đói, giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, công tác đối ngoại Nhân dân và hợp tác quốc tế của Mặt trận vẫn còn nhiều hạn chế: phạm vi đối ngoại và đối tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn hẹp, chưa mở rộng đa dạng, chủ yếu duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại còn hạn chế, thiếu thống nhất và đồng bộ. Hoạt động đối ngoại Nhân dân mới tập trung nhiều ở cấp Trung ương, các thành phố lớn và ở các tỉnh có chung đường biên giới. Sự phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong đối ngoại Nhân dân hiệu quả chưa cao.