Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 1)

(còn nữa) 17/08/2019 08:05

Đại Đoàn Kết Online đăng toàn văn “Dự thảo Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 1)

Đại hội đại biểu MTTQ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 tổ chức ngày 25/7/2019.

Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đại hội vui mừng, phấn khởi với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ĐẠI HỘI VIII MTTQ VIỆT NAM, NHIỆM KỲ 2014-2019

I. TÌNH HÌNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VÀ CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, nguồn lực nội sinh, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn không ít khó khăn, thách thức tác động đến tư tưởng, tình cảm của Nhân dân, song khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ, mối quan hệ gắn bó mật thiết và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm năm qua, cơ cấu xã hội ở nước ta tiếp tục có những biến đổi nhanh và đa dạng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động và dân cư giữa các khu vực, vùng miền, tăng dân số ở khu vực thành thị, thiếu nguồn lao động có chất lượng ở khu vực nông thôn. Xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề, loại hình lao động dịch vụ mới trong xã hội. Mặc dù khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, một bộ phận Nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần chia sẻ, giúp đỡ, ý thức cộng đồng trách nhiệm vẫn là xu hướng chủ đạo trong xã hội, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vẫn là định hướng cơ bản, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện.

Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Thông qua vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận đã khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; làm cầu nối tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, quyết tâm đổi mới trong quản lý, điều hành của Nhà nước và những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại… đã củng cố niềm tin của Nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đề cao và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước.

Đại hội vui mừng và đánh giá cao sự tiến bộ cùng những đóng góp to lớn của các giai cấp và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

Giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh về số lượng với khoảng 23,9 triệu người làm công, hưởng lương, chiếm trên 24,8% dân số cả nước, có tác phong công nghiệp và trình độ chuyên môn, tay nghề ngày càng được nâng cao, từng bước làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Công nhân, lao động trong các loại hình doanh nghiệp tăng mạnh, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Công nhân, lao động mong muốn kinh tế phát triển bền vững, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện về nhà ở, môi trường sinh hoạt, đời sống văn hóa và điều kiện học tập cho con em.

Giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo trong xã hội, với dân số nông thôn khoảng 63 triệu người, chiếm trên 65,5% dân số cả nước. Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, nông dân Việt Nam nhanh chóng tiếp cận phương thức sản xuất mới, vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nông dân còn nhiều băn khoăn về đời sống, thu nhập thấp, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, tiêu thụ sản phẩm không ổn định; một bộ phận nông dân chịu ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, thiếu đất sản xuất, không có việc làm; việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ trí thức những năm qua phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên, đồng thời có khoảng hơn 400.000 trí thức người Việt Nam đang sinh sống ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đội ngũ trí thức có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm có giá trị, góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ trí thức mong muốn được cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, có chế độ đãi ngộ xứng đáng và cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài để phát huy hết khả năng sáng tạo của mình đối với sự phát triển của đất nước.

Đội ngũ công chức, viên chức cả nước có hơn 2,4 triệu người, chiếm trên 2,5% dân số cả nước, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng mọi mặt phục vụ đời sống của Nhân dân. Đội ngũ công chức, viên chức mong muốn được cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, tăng cường các chính sách đãi ngộ đảm bảo ổn định việc làm và nâng cao đời sống.

Thanh niên Việt Nam (16 - 30 tuổi) có khoảng 22,6 triệu người, chiếm trên 23,5% dân số cả nước, là lực lượng đông đảo, có tiềm năng to lớn, năng động, sáng tạo, nhiều ước mơ, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh với tri thức của thời đại. Phần lớn thanh niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện rõ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, có hành động thiết thực vì cộng đồng. Thanh niên luôn mong muốn có môi trường, điều kiện tốt nhất để học tập, lập thân, lập nghiệp, đáp ứng các điều kiện vui chơi, giải trí, có cơ hội được đóng góp, cống hiến, phát huy trí tuệ, tài năng và sáng kiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phụ nữ Việt Nam chiếm trên 50,5% dân số và hơn 48,3% lực lượng lao động xã hội, có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đề cao tự trọng, tự tin, phụ nữ Việt Nam không ngừng vương lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, nỗ lực cống hiến trên mọi lĩnh vực của xã hội. Hiện nay đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật còn nhiều khó khăn. Phụ nữ mong muốn được nâng cao chất lượng cuộc sống, chia sẻ khó khăn, chăm lo, bảo vệ, thực hiện bình đẳng giới, có cơ hội để phát triển, chăm lo cho gia đình và cống hiến cho xã hội.

Cựu chiến binh Việt Nam và lực lượng cựu quân nhân trong cả nước có khoảng 4 triệu hội viên, chiếm trên 4,2% dân số cả nước. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn an ninh trật tự. Lực lượng cựu chiến binh cùng với hơn 50 vạn cựu thanh niên xung phong luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ. Cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong mong muốn được quan tâm hơn nữa giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công, giải quyết việc làm với những người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có môi trường, điều kiện để phát huy truyền thống, tiếp tục được cống hiến cho đất nước.

Các lực lượng vũ trang Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, với Đảng và chế độ, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường gắn bó, giúp đỡ với Nhân dân, tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên, chủ động tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo (hiện có trên 715.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 14 triệu lao động), là lực lượng năng động, sáng tạo, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Cùng với các doanh nghiệp, trong cả nước hiện có trên 22 nghìn hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động. Đội ngũ doanh nhân mong muốn môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện hơn, có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ mới, loại trừ tiêu cực trong thực thi chính sách phát triển kinh tế.

Người cao tuổi Việt Nam với khoảng 10,3 triệu người, chiếm trên 10,7% dân số cả nước, luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao - gương sáng”, giáo dục, động viên con cháu hăng hái lao động, học tập, chấp hành pháp luật, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh. Người cao tuổi mong muốn được cải thiện môi trường sống, đảm bảo các điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò, uy tín và kinh nghiệm, đóng góp tích cực cho gia đình và cộng đồng.

Đồng bào các dân tộc thiểu số với hơn 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước, có nhiều nỗ lực vươn lên, tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở các vùng biên cương của Tổ quốc. Tuy đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn khá cao, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đồng bào các dân tộc thiểu số mong muốn được bình đẳng về cơ hội phát triển, tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; có các điều kiện để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Đồng bào tín đồ các tôn giáo với trên 25,3 triệu người, chiếm trên 26,3% dân số cả nước, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, “sống tốt đời đẹp đạo”, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh xã hội, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo, đóng góp tích cực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào các tôn giáo mong muốn tiếp tục được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để có môi trường và điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xã hội trên mọi lĩnh vực.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 4,5 triệu người sống và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số lượng trí thức, du học sinh ngày càng tăng. Người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều nỗ lực trong học tập, lao động, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm cầu nối thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước. Người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn về địa vị pháp lý để ổn định cuộc sống, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ, phát huy khả năng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức hội quần chúng phát triển với hơn 500 hội hoạt động trên toàn quốc, hơn 70.000 hội cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, thu hút hàng chục triệu hội viên tham gia, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh những thành tựu của đất nước, Nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước những hạn chế, yếu kém trong xã hội. Kinh tế - xã hội nước ta tuy có phát triển nhưng chưa thực sự vững chắc; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực; đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, xảy ra nhiều vi phạm; tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều bức xúc, kéo dài. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, cháy nổ ngày càng khó kiểm soát; tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều vụ án nghiêm trọng. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; vẫn còn không ít những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn âm mưu hoạt động chống phá, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại hội tin tưởng, với tinh thần đổi mới và quyết tâm hành động, MTTQ Việt Nam sẽ góp phần cùng Đảng và Nhà nước phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA MTTQ VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2014 - 2019

1. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung, phương thức tập hợp có nhiều đổi mới và linh hoạt, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với cổ vũ, lôi cuốn đông đảo Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng để tập hợp, đoàn kết Nhân dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, trọng tâm là hoàn thiện về cơ chế, nâng cao sức mạnh tổng hợp, củng cố lực lượng làm công tác thông tin, truyền thông từ trung ương đến cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, nhóm nòng cốt nắm tình hình, dư luận trong Nhân dân được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn. Các trang thông tin điện tử của Mặt trận được nâng cấp, xây dựng mới và khai thác hiệu quả ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Hệ thống báo chí của Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương, bản tin công tác Mặt trận ở các địa phương được nâng cao về chất lượng và phát hành đến khu dân cư. Thông qua hệ thống truyền thông và lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận và các tổ chức thành viên, kết hợp với các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến với các tầng lớp Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp đã xây dựng chương trình hành động, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, diễn đàn Nhân dân, sinh hoạt chi đoàn, chi hội... theo các trọng tâm, chủ đề như: triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XII và nghị quyết các kỳ họp Trung ương khóa XII của Đảng; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), 85 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm các ngày truyền thống và tuyên truyền đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức thành viên; tuyên truyền, phổ biến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo... đến các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận đã tăng cường tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia sinh hoạt trong tổ chức, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều cách làm sinh động, sáng tạo đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong mỗi cơ quan, tổ chức và trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã thực hiện nề nếp nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe ý kiến của Nhân dân” với nhiều kết quả nổi bật, qua hệ thống tổ chức và lực lượng cán bộ của Mặt trận và các tổ chức thành viên, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí và truyền thông để nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của Nhân dân, phản ánh định kỳ đến các cơ quan Đảng, Nhà nước. Báo cáo, phản ánh của Mặt trận trung thực, khách quan và đa dạng, là kênh thông tin quan trọng để các cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý minh bạch, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất đời sống của Nhân dân.

Thực hiện kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”, Ủy ban Mặt trận các cấp đã tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản... làm lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động; phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao; hướng dẫn đồng bào tham gia các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các chương trình để Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; đề xuất với cấp ủy, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế và giảm nghèo... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện kết luận của Đoàn Chủ tịch về “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên thăm hỏi, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo; xây dựng và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong tôn giáo; phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt của các tôn giáo trong các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Mặt trận đã tích cực tham gia xây dựng và phản biện xã hội đối với dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời tích cực tuyên truyền và triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đông đảo Nhân dân. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ là Mặt trận đã phối hợp và phát huy tốt vai trò tích cực của các tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hóa hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, bảo trợ xã hội, cứu trợ thiên tai. Trước những vụ việc người dân tụ tập gây mất ổn định trật tự ở một số địa phương, Mặt trận đã kịp thời tiếp xúc, tuyên truyền, vận động Nhân dân và các chức sắc, tín đồ tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở.

Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua các chương trình công tác, lãnh đạo Mặt trận và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời thông báo về tình hình đất nước, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và chương trình hành động của Mặt trận đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài. Phối hợp đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là chính sách hỗ trợ về pháp lý, tạo điều kiện để định cư, đầu tư kinh doanh. Hằng năm duy trì phối hợp tổ chức chương trình “Xuân quê hương” và gặp mặt kiều bào về đón Tết cổ truyền của dân tộc, dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, dự Quốc khánh 2/9, trại hè Việt Nam, tổ chức Đoàn đại biểu đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ ở quần đạo Trường Sa và nhà giàn DK1,… Ở nhiều địa phương, Ủy ban Mặt trận phối hợp thành lập và hỗ trợ hoạt động các tổ chức Hội hữu nghị, Hội thân nhân kiều bào, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, cội nguồn, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, về nước khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18 tháng 11) đã được tổ chức nề nếp, rộng khắp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Trong nhiệm kỳ, trung bình hằng năm cả nước có trên 95% khu dân cư tổ chức ngày hội. Việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trao tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết… trong dịp diễn ra ngày hội đã góp phần khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận vẫn chưa thực sự tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của Nhân dân, có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa góp phần làm thay đổi ý thức của người dân ở một số lĩnh vực cụ thể như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông... Một số nơi việc nắm bắt tình hình Nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn một số vụ việc bức xúc chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu, đề xuất và tham gia giải quyết của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc nắm bắt, tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa sâu sát, thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân chưa nền nếp, có nơi Mặt trận chưa phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; chưa kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình Nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Phần 1)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO