Nên đòi bồi thường đình Chợ Trổ

Từ Khôi 22/04/2020 08:00

Dư luận gần đây xôn xao về việc chính quyền và người dân xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có đơn đòi lại ngôi đình Chợ Trổ của mình cho Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mượn từ năm 1965. Điều trớ trêu là ngôi đình này đã nằm trong hồ sơ xếp hạng của Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vậy cơ sở pháp lý nào để quyền lợi của người dân và chính quyền xã Bùi La Nhân được đảm bảo?

Nên đòi bồi thường đình Chợ Trổ

Đình Chợ Trổ ở Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khi chưa bị hạ giải.

Trên số báo ra ngày 27/3/2020, báo Đại Đoàn Kết có bài viết “Lênh đênh phận đình 260 tuổi”. Nội dung đề cập tới việc trong tháng 3/2020, chính quyền xã Bùi La Nhân có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trả lại ngôi đình Chợ Trổ nằm trong Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ngày 20/3, Sở VHTTDL Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp để quyết định “số phận” tiếp theo cho đình Chợ Trổ. Buổi họp có đại diện của Cục Di sản Văn hóa và nhiều cơ quan ban ngành Hà Tĩnh cũng như đại diện xã, nhân dân xã Bùi La Nhân. Cuộc họp thống nhất sẽ để Sở VHTTDL tỉnh trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, quyết định theo đề xuất: Thứ nhất, để lại đình Chợ Trổ trong Khu lưu niệm để tiếp tục tu bổ, tôn tạo, trở thành mô hình kiến trúc tiêu biểu cho đình làng Hà Tĩnh. Thứ hai, đề nghị tỉnh xem xét chủ trương lập dự án phục chế đình Chợ Trổ ở xã Bùi La Nhân để người dân có nơi thờ phụng, sinh hoạt cộng đồng.

Tuy nhiên, mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh lại có văn bản Thông báo số 326/SVH TTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND xã Bùi La Nhân. Thông báo này có kết luận: “Do việc này liên quan đến Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vì vậy phải được sự đồng ý của Bộ VHTTDL; phải tính toán kinh phí, di dời địa điểm phục dựng lại, vấn đề về bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích. Vì thế việc đề nghị của UBND xã Bùi La Nhân cần tiếp tục cân nhắc để đề xuất với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết”.

Sở VHTTDL Hà Tĩnh cũng khẳng định, hiện nay di tích đình Chợ Trổ đã được hạ giải để tu bổ tôn tạo theo quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng hạ tầng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1). Quyết định số 1264/QĐ- UBND ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng hạ tầng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1). Vì vậy Sở VHTTDL Hà Tĩnh thống nhất để ngôi đình Chợ Trổ tại Khu lưu niệm Nguyễn Du để triển khai tu bổ, tôn tạo đình theo kế hoạch đề ra. Về tên gọi đình Chợ Trổ, theo chức năng, nhiệm vụ của Khu lưu niệm Nguyễn Du và nguyên tắc hoạt động bảo tồn, bảo tàng, sau khi được tu bổ, tôn tạo, đình Chợ Trổ vẫn giữ nguyên tên gọi là “Đình Chợ Trổ”. Các hoạt động thuyết minh, giới thiệu đình Chợ Trổ tại Khu lưu niệm Nguyễn Du vẫn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, khoa học, chính xác về tư liệu, hiện vật, xuất xứ… của đình Chợ Trổ. Trường hợp không xin chuyển đình về, địa phương có thể xin chủ trương phương án phục dựng đình Chợ Trổ nhằm đảm bảo tính lâu dài, bền vững hơn.

Để giải quyết sự việc một cách thấu lý đạt tình này, theo người viết, từ thực tế và các cơ sở pháp lý, các bên có thể giải quyết sự việc như phân tích dưới đây.

Năm 1965, chính quyền xã Đức Nhân cho Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) và ngành văn hóa tỉnh Hà Tĩnh tháo dỡ, mượn đình Chợ Trổ (dựng năm 1760) về Khu di tích để làm nơi trưng bày hiện vật. Năm 2012, khi xây dựng hồ sơ di tích để trình Thủ tướng xếp loại di tích cấp quốc gia đặc biệt, ngành văn hóa đã đưa kiến trúc đình Chợ Trổ là một hạng mục của Khu di tích.

Năm 2020, đình Chợ Trổ được hạ giải trùng tu. Sau khi trùng tu, ngôi đình sẽ không sử dụng làm nơi trưng bày nữa. Vì vậy, để đảm bảo tính nguyên gốc của di tích, nếu muốn đưa hạng mục kiến trúc di tích đình Chợ Trổ ra khỏi Khu di tích cần phải có văn bản đồng ý của Thủ tướng. Về phía người dân và chính quyền xã Bùi La Nhân (năm 2019, xã Đức Nhân gộp với xã Bùi Xá và Đức La thành xã Bùi La Nhân) có thể căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015 để yêu cầu ngành văn hóa và Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du bồi thường thiệt hại tài sản.

Điều 494, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về “Hợp đồng mượn tài sản” như sau: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.

Điều 496, Bộ Luật Dân sự quy định “Nghĩa vụ của bên mượn tài sản” như sau: “1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa. 2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn. 3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được. 4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn. 5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả”.

Và Điều 499 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về “Quyền của bên cho mượn tài sản”: “1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. 2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn. 3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra”.

Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật, chính quyền và người dân xã Bùi La Nhân có thể yêu cầu ngành văn hóa và Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du bồi thường thiệt hại tài sản. Nếu ngành văn hóa và Khu lưu niệm không chấp nhận bồi thường thì người dân và chính quyền xã Bùi La Nhân có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết.

Từ Khôi