Lời kể của công nhân chứng kiến Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp
Trong đêm xảy ra sạt lở tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, nhiều công nhân đã cùng nhau cắt rừng, đi bộ khoảng 10 km đến Thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn.
Anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi) - một trong số công nhân thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 vừa được giải cứu - kể lại, khoảng 21h tối 11/10, một nửa trong số gần 40 người đang thi công tại Thủy điện Rào Trăng 3 từ nhà điều hành xuống khu vực lán trại (cách nhà điều hành gần 1 km) nơi anh đang có mặt để nghỉ ngơi.
Nghe tiếng động lớn,mọi người chạy ra ngoài nhìn lên nhà điều hành thấy trắng xóa trong đêm. Lúc này mọi người cho rằng là sạt lở tại khu nhà điều hành nên nhanh chóng tiếp cận, ứng cứu.
“Khoảng 3 hay 4 người may mắn thoát nạn, số còn lại thì bị chôn vùi trong đống đổ nát. Sau khoảng thời gian tìm kiếm không có kết quả cộng thêm trời mưa rất lớn và nguy hiểm nên cả đoàn băng rừng, lội suối mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ về khu vực Thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn”, anh Vũ kể.
Tại hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất ở Thủy điện Rào Trăng 3, một khung cảnh tan hoang trông rất khủng khiếp. Một khối lượng đất đá rất lớn đổ xuống “xóa sổ” khu nhà điều hành tại đây.
Trong đống đổ nát, nhiều chiếc xe múc nằm trơ trọi. Nhiều chiếc khác vẫn còn hoạt động được, được đưa vào đào bới để tìm kiếm những người còn mất tích.
Hiện, công tác tìm kiếm những người còn mất tích vẫn đang được các lực lượng chức năng tổ chức rất khẩn trương với quyết tâm tiếp cận và đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất.