Vaccine Sputnik V có thể ngừa virus trong 2 năm
Vaccine Sputnik V đảm bảo hiệu quả trong 96% trường hợp; chỉ 4% trường hợp người được tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh sẽ ở dạng nhẹ như sổ mũi, ho, sốt không cao, và mầm bệnh không ngấm vào phổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật mang tên Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, ông Alexander Gintsburg ngày 12/12 cho biết vaccine Sputnik V ngừa virus SARS-CoV-2 mà Trung tâm này phát triển, được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola, và có thể bảo vệ cơ thể trong 2 năm.
Phát biểu trên kênh YouTube “Soloviev Live,” ông Gintsburg nói: “Bây giờ tôi chỉ có thể giả định rằng dữ liệu thử nghiệm là cần thiết.... Có số liệu thử nghiệm cho thấy chế phẩm vaccine tương tự này bảo vệ ít nhất hai năm, có thể hơn. Khó có thể nói vaccine của Pfizer có tác dụng bảo vệ trong bao lâu, nhưng dựa trên cơ chế hoạt động chung của các loại thuốc này, có thể cho rằng thời gian bảo vệ sẽ không quá 4, nhiều nhất là 5 tháng. Dù điều này cần phải kiểm tra qua thực nghiệm”.
Ông Gintsburg cũng nói thêm vaccine Sputnik V đảm bảo hiệu quả trong 96% trường hợp. Chỉ 4% trường hợp người được tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh sẽ ở dạng nhẹ như sổ mũi, ho, sốt không cao, và mầm bệnh không ngấm vào phổi.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ngày 11/12 đã chấp thuận đơn đề nghị của BioNTech và Pfizer để đăng ký vaccine của liên doanh này theo quy trình khẩn cấp.
Các chuyên gia quản lý Mỹ đã nhận được xác nhận rằng vaccine đạt hiệu quả 95% sau liều thứ hai.
Trước đó, Đại Đoàn Kết đã đưa tin, Nga và Anh là những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm chủng, sử dụng vaccine Sputnik V và Pfizer-BioNTech tương ứng, trong khi Mỹ cũng tham gia vào danh sách, cũng cho phép sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech trong trường hợp khẩn cấp.
Ngày 12/12 (giờ Việt Nam), The New York Times đưa tin, Ủy ban Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 Pfizer’s.
Nguồn tin cho biết thêm, hàng triệu người nằm trong nhóm nguy cơ cao tại Mỹ sẽ được tiêm phòng trong những ngày tới.
Trước đó, ngày 11/12, FDA đã bỏ phiếu để ủng hộ việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) nghiên cứu bào chế.
Ủy ban của FDA đã bỏ phiếu ủng hộ với tỷ lệ 17-4 và 1 phiếu trắng. Ủy ban công nhận rằng những lợi ích của vaccine do Pfizer/BioNTech phát triển vượt trội hơn so với những rủi ro gây ra đối với người trên 16 tuổi được tiêm vaccine.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt qua 70 triệu người, trong khi số người chết là hơn 1.590.000 người. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mỹ (hơn 15,8 triệu trường hợp mắc, 295.000 người chết), tiếp theo là Ấn Độ (gần 9,8 triệu trường hợp mắc, hơn 142.000 người tử vong) và Brazil (hơn 6,7 triệu trường hợp mắc và số người chết hơn 179.000 người).
Còn tại Việt Nam, ngày 10/12, Bộ Y tế, Học viện Quân Y và công ty dược phẩm Nanogen đã phối hợp tổ chức lễ thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn 1 trên người. Quá trình thử nghiệm lâm sàng của vaccine phòng Covid-19 tiến hành theo 3 giai đoạn. Rất nhiều tình nguyện viên có mặt tại sảnh của Học viện Quân y đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn 1.
Cô gái đầu tiên đăng ký thử vaccine Covid-19 Việt Nam. Đó là N.L.P. - một trong những người đầu tiên đăng ký trực tiếp tại Học viện Quân y. Cô từng làm công việc nghiên cứu về Covid-19, vì vậy hiểu rõ mức độ nguy hiểm của đại dịch. Cũng vì là người hiểu biết về SARS- CoV-2 nên P. thừa nhận bản thân khá e ngại khi là một trong những người đầu tiên tiêm thử nghiệm, bởi "sẽ có rủi ro" sau khi tiêm không thể dự đoán. Nhưng trên hết cô gái trẻ có niềm tin. Do đó, P. nói rằng sẵn sàng đăng ký thử nghiệm lâm sàng, bắt lấy cơ hội trở thành người đầu tiên được bảo vệ. Bên cạnh đó, cô mong muốn tìm hiểu thêm về nCoV, vaccine thông qua thử nghiệm lâm sàng. "Tại Việt Nam, công tác phòng ngừa dịch bệnh rất tốt, không có ca tử vong trực tiếp do Covid-19. Tuy nhiên, dịch đã lan tràn trên khắp thế giới, khiến nhiều người tử vong rồi", cô cho biết.