Thi công công trình kém chất lượng sẽ bị xử lý như thế nào?

An Chi 27/01/2021 16:52

Việc nhiều công trình xây dựng thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng công trình là một thực trạng diễn ra khá phổ biến lâu nay.

Vừa qua, Báo Đại đoàn kết có bài viết “Vĩnh Phúc: Đơn vị thi công liên tục bị lập biên bản vì công trình không đảm bảo chất lượng”, phản ánh về việc dự án làm đường nút giao thông ngã ba Đồng Tĩnh đi ĐT 302 Tây Thiên, huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc do Công ty TNHH Thành Đoàn thi công. Từ tháng 11/2020 đến nay đơn vị này liên tục bị lập biên bản vì thi công công trình không đảm bảo chất lượng..

Trao đổi về hành vi xây dựng công trình không đảm bảo chất lượng, Luật sư Đoàn Tăng Hải Công ty Luật TNHH Hoa Nhật Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

Lâu nay có một thực trạng diễn ra khá phổ biến là việc nhiều công trình xây dựng thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng công trình.

Từ đó dẫn tới việc chất lượng công trình nhanh chóng xuống cấp, gây thất thoát tài sản của tổ chức, của nhà nước, thậm chí nhiều công trình không đảm bảo còn dẫn tới những trường hợp tai nạn rất thương tâm, để lại hậu quả vô cùng lớn và khó khắc phục.

Hiện nay, hành lang pháp lý quy định về vấn đề này tương đối hoàn chỉnh, xong vì nhiều lý do khác nhau mà chủ đầu tư, nhà thầu bất chấp hậu quả có thể xảy ra và cố tình vi phạm quy định của pháp luật.

Theo Điều 4 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện. Cụ thể:

1. Nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện, Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nghị định này. Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện các hoạt động xây dựng nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

4. Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện.”

Theo đó, trong trường hợp có sai phạm xảy ra trong quá trình thi công xây dựng dự án gây hậu quả nghiêm trọng thì cần điều tra làm rõ trách nhiệm cuộc về cá nhân, tổ chức nào. Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức hay cá nhân đó có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Về trách nhiệm hình sự: Đối với hành vi thi công sai thiết kế, thi công không đảm bảo chất lượng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ và chức vụ của người thực hiện hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định:

Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:…Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm”.

Về trách nhiệm hành chính: Nếu tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong quá trình thi công xây dựng công trình chưa đủ để xử lý hình sự thì cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 32 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở như sau:

“Điều 32. Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình quy định:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Thi công sai thiết kế đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật; Thi công không đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt;...

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thi công theo thiết kế được phê duyệt, chỉ dẫn kỹ thuật hoặc biện pháp thiết kế thi công được duyệt đối với hành vi quy định tại điểm b, điểm d khoản 5 Điều này”

An Chi