Ngôi làng cổ 400 năm trồng lá dong ở Hà Nội, người dân 'hái lá đếm tiền'

01/02/2021 10:35

Gói bánh chưng bằng lá dong Tràng Cát sẽ giúp bánh có màu xanh tự nhiên, mùi thơm rất đặc trưng. Vài năm trở lại đây, lá dong còn được xuất ra nước ngoài phục vụ kiều bào đón Tết.

Khác với khung cảnh yên bình thường nhật, từ đầu tháng chạp, làng lá dong Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật bước vào mùa thu hoạch chính, người người ra vườn, nhà nhà cắt lá dong phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Văn Định (84 tuổi), một cao niên làng Tràng Cát cho biết: "Lịch sử ngôi làng này từ khi có đình làng và chùa đến nay là gần 600 năm, nhưng lá dong thì có khoảng hơn 450 năm".

Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Khắp các ngả đường tấp nập người thu hoạch và thương lái thu mua lá.
Khắp các ngả đường tấp nập người thu hoạch và thương lái thu mua lá.

Đây được coi là "vựa" lá dong lớn nhất Hà Nội. Lá dong ở đây được ưa chuộng bởi có màu xanh mướt như ngọc, lá dai, bản to, cuống lá xanh sáng chứ không xanh đen, xanh sẫm như lá dong rừng.

Lá dong Tràng Cát hình bầu, không dài như lá dong rừng nên rất dễ gói. Người dân trong làng mách, chỉ cần nhìn bề ngoài là có thể dễ dàng phân biệt được đâu là lá dong của làng Tràng Cát và đâu là lá dong rừng.

Năm nay lá dong được mùa, người dân phấn khởi bỏ túi cả chục triệu đồng/1 sào lá.
Năm nay lá dong được mùa, người dân phấn khởi bỏ túi cả chục triệu đồng/1 sào lá.

Trồng lá dong không mất nhiều công sức, chỉ cần tách nhánh rồi trồng, chăm bón, làm cỏ đợi ngày thu hoạch. Trồng một lần nhưng được thu hoạch quanh năm và nhiều năm sau đó, giúp bà con có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

Điều đặc biệt làm nên thương hiệu lá dong Tràng Cát là bởi, Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, đất màu mỡ, lá to đẹp, đều. Bên cạnh đó là khí hậu ôn hòa, nên lá phát triển rất tốt.

Mặt dưới của lá dong Tràng Cát có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Nếu dùng để gói bánh chưng sẽ cho bánh màu xanh tự nhiên rất đẹp mắt và có vị thơm hấp dẫn sau khi luộc chín.

Lá dong Tràng Cát được gọi là lá dong nếp, với ưu điểm khi gói bánh có màu xanh nhạt chứ không xanh đen như lá dong rừng nên được người dân miền Bắc ưa chuộng.
Lá dong Tràng Cát được gọi là lá dong nếp, với ưu điểm khi gói bánh có màu xanh nhạt chứ không xanh đen như lá dong rừng nên được người dân miền Bắc ưa chuộng.
Để thu hoạch, người dân ở đây dùng những chiếc dao nhỏ và sắc để cắt lá.
Để thu hoạch, người dân ở đây dùng những chiếc dao nhỏ và sắc để cắt lá.

Ông Định bày tỏ tự hào khi lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài: "Những năm gần đây, lá dong quê tôi đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu ăn Tết của bà con Việt Nam ở các nước Châu Á, Châu Âu. Em tôi năm nào cũng gom hàng vạn lá dong mang sang nước Đức, chia cho bà con bên đó gói bánh chưng ăn Tết".

Người dân cho biết, năm nay là dong được mùa, lá đẹp và giá bán đắt hơn so với 2 năm về trước. Hiện tại, lá loại 1 đang được bán buôn với giá 100.000 đồng/ 100 lá. Người dân thường xếp mỗi bó 50 lá, phần lớn được bán buôn cho các thương lái ngày tại nhà chứ không phải chở đi xa.

Lá dong được cắt 1 loạt rồi sấp nước, đem ủ trong lá chuối chứ không cắt rải rác. Đến ngày thu hoạch, nhà nào cũng huy động mọi nguồn lực, cắt đổi công cho nhau để kịp bán lá dịp Tết.
Lá dong được cắt 1 loạt rồi sấp nước, đem ủ trong lá chuối chứ không cắt rải rác. Đến ngày thu hoạch, nhà nào cũng huy động mọi nguồn lực, cắt đổi công cho nhau để kịp bán lá dịp Tết.
"Năm nay thời tiết thuận lợi, lá dong Tràng Cát được mùa, lá to đẹp nên bán được giá cao. Ước tính 2 sào lá dong của nhà tôi thu được khoảng 25 - 30 triệu đồng", bà Nguyễn Thị Thanh tay thoăn thoắt cắt lá vui vẻ nói.

Lá dong được xem là "linh hồn" của làng Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Loại lá này đã trở thành thương hiệu, niềm tự hào mỗi khi nhắc về quê hương. Người dân nơi đây luôn hi vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi khi Tết đến, xuân về.