Cổ phiếu FLC giảm sàn 3 phiên liên tiếp, hơn 100 triệu cổ phiếu bị bán
Sáng 30/3, hơn 100 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị đặt bán bán nhưng lực mua vào rất yếu, chỉ khớp hơn 700.000 cổ phiếu (tương đương với hơn 8.6 tỷ đồng).
Mở cửa phiên giao dịch 30/3, hàng loạt nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản bị "nhuộm" sắc đỏ và chỉ số VN- Index đi xuống.
Các mã thuộc hệ sinh thái tập đoàn FLC như: FLC, AMD, ROS, HAI, HAR, KLF giảm hết biên độ.
Riêng cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC đã trải qua 3 phiên giảm sàn (trắng bên mua) kể từ ngày 28/3. Sáng 30/3, hơn 100 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị đặt bán bán nhưng lực mua vào rất yếu, chỉ khớp hơn 700.000 cổ phiếu (tương đương với hơn 8.6 tỷ đồng).
Ngày 29/3), Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) chính thức tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Không có hiện tượng hoảng loạn, thị trường tích cực trở lại
Thị trường mở cửa phiên sáng 30/3 giảm điểm do tác động tâm lý từ tin chủ tịch FLC bị tạm giam, tuy nhiên lực cầu mạnh và mua chủ động duy trì giúp chỉ số tăng điểm. Thanh khoản đi ngang cho thấy áp lực bán không mạnh.
Bên mua chủ động lớn gồm các cổ phiếu Thực phẩm như HAG, Bất động sản vốn hóa vừa (DXG, ITA), và Ngân hàng (STB, MBB). Nhóm được bán chủ động mạnh gồm Hóa chất (DCM, DPM), Dầu khí (PVS, BSR).
Nhóm cổ phiếu tiếp tục tăng điểm là Công nghệ, dẫn dắt bởi FPT. Ngoài ra đáng chú ý có nhóm chứng chỉ quỹ đồng loạt tăng điểm, bởi cuối quý là mùa chốt NAV.
Nước ngoài chuyển bán ròng (chủ yếu giảm mua), nhóm bán chủ yếu VHM, HPG, VIC, VNM, MSN. Tuy nhiên giá trị bán không tăng so với cùng kỳ ngày hôm qua. Trong nhóm mua ròng chú ý có HDB.
Đến 9 giờ 29 phút ngày 30/3, VN- Index đã tăng trở lại nhờ đà phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo đó, cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường là VIC tăng tới 1,6% đã tạo lực nâng lớn cho chỉ số VN-Index. Tiếp đến, các mã VRE, VNM, BVH, HPG, PNJ… đều ở chiều tăng giá.
Tới 10h30, VN-Index đang ở quanh mốc 1.500 điểm, sắc xanh được giữ với trợ lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tối 29/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra thông cáo khẳng định hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán," quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đã yêu cầu công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Uỷ ban, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin trong phạm vi chức năng thẩm quyền và cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.