Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?

Thái Anh (tổng hợp) 30/03/2022 07:40

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Luật pháp nghiêm cấm thao túng giá chứng khoán

Tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 nghiêm cấm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020 giải thích “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Người thực hiện hành vi nêu trên nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy tố về Tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015.

Mức phạt dành cho tội "thao túng thị trường chứng khoán"

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện một trong các hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thao túng thị trường chứng khoán.

Theo đó, hình phạt áp dụng với tội này cụ thể như sau:

Hình phạt chính:

- Khung 1: Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên mà:

+ Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 1,5 tỷ đồng; hoặc

+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng.

- Khung 2: Phạt tiền từ 2 - 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm - 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung:

- Bị phạt tiền từ 50 - 250 triệu đồng;

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Chưa đến mức xử lý hình sự, thao túng thị trường chứng khoán bị phạt thế nào?

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 156/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021, vi phạm thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.”

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Hình thức xử phạt bổ sung với hành vi vi phạm này như sau:

- Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 1 - 3 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam;

- Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 - 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.

Đồng thời, buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nhiều người từng bị khởi tố, bắt giam vì thao túng giá cổ phiếu

Đầu năm 2022, thị trường chứng khoán cũng được một lần dậy sóng với thông tin khởi tố, bắt giam một giám đốc thao túng giá cổ phiếu. Ngày 24/1, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần liên danh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA), mã chứng khoán: ASA.

Kết quả điều tra xác định Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng, niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tháng 5/2020, cụ thể là trong 2 ngày 26 và 27/5, Tòa án nhân dân Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Thị Hinh, cựu chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Mã CK: KSA) cũng như cựu Chủ tịch Công ty chứng khoán VSM, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo Trần Hồng Ngọc (nhân viên CTCK VSM) lập 69 tài khoản rồi thỏa thuận với Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng (nhân viên CTCK Maritime - MSI) sử dụng những tài khoản trên để liên tục thực hiện mua, bán KSA, tạo cùng cầu giả trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư.

Cơ quan tố tụng cáo buộc từ cuối năm 2015 đến 8/7/2016, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các CTCK như Mirae Asset, Phú Hưng, Dầu khí cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng tiền cho vay margin.

Hội đồng xét xử xác định Phạm Thị Hinh đóng vai trò chủ mưu hành vi phạm tội và bị tuyên phạt 18 tháng tù cũng như phải bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Trần Hồng Ngọc và Nguyễn Trọng Hùng đóng vai trò đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và bị phạt 15 tháng tù treo.

Tháng 12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á về hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển đô thị, có mã giao dịch là CDO.

Hậu quả của hành vi khi đó đã khiến nhiều nhà đầu tư đã mất tới hơn 90% giá trị tiền đầu tư vào cổ phiếu CDO.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO