Chứng khoán ngày 8/4: Giao dịch thế nào khi thị trường giảm điểm
Trong khi chứng khoán SSI nhận định thị trường vẫn được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.500 điểm thì VCBS lại khuyên nên chốt lời bớt các cổ phiếu đã có lợi nhuận. Còn MBS mách nước nhà đầu tư nên kiên định với nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản
Lực bán giá thấp không quá mạnh
Nhận định sau phiên 7/4, Chứng khoán SSI cho rằng thị trường có một phiên biến động khá tiêu cực với lực bán giá thấp đã xuất hiện ngay từ đầu phiên. Nhóm VN30, trong đó có nhiều mã ngân hàng dù vẫn đi ngược diễn biến chung và vận động trên tham chiếu trong suốt phiên sáng nhưng từ đầu phiên chiều đã không thể trụ vững khi lực bán lan sang nhóm này gây sức ép thêm lên thị trường chung.
Đóng cửa, sắc đỏ hoàn toàn áp đảo với 372 mã mất điểm trên HOSE và 24 mã mất điểm trong rổ VN30. Chỉ số VNIndex giảm lại 20,55 điểm (-1,35%) về còn 1.502,35 điểm. Nhóm trung bình thấp giảm mạnh hơn mặt bằng chung khi chỉ số VNMidcap và VNSmallcap giảm tương ứng đến 1,76% và 1,82%. Chỉ số VN30 ít áp lực nhất với mức giảm 0,97%. Thanh khoản chung trên HOSE hôm nay đạt 25,2 nghìn tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Nhìn theo ngành, gần như hầu hết các ngành đều mất điểm. Chỉ riêng một số ít ngành có số mã tăng chiếm ưu thế hơn như Dầu khí và Phân bón. Ngân hàng cũng đóng góp 2 mã ACB và MBB trong nhóm tác động tích cực lên chỉ số VNIndex, sau đó là DGC, DCM, DPM, PLX. Ngược lại, nhóm các mã VCB, VHM, VIC, MSN, NVL, HPG, GVR, MWG, BID, VRE lại tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.
Khối ngoại quay lại bán ròng mạnh -526 tỷ đồng trên HOSE. GT bán ròng tập trung ở các mã VHM -87,7 tỷ đồng, HPG -85 tỷ đồng, STB -72 tỷ đồng. Chiều mua ròng, cao nhất ở NVL với GT chỉ +58,6 tỷ đồng.
Chỉ số VNIndex vẫn duy trì trên hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.500 điểm. Ngoài ra, KLGD chung đi xuống trong phiên giảm điểm cho thấy lực bán giá thấp không quá mạnh nên khả năng chỉ số VNIndex sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng và hướng đến vùng đỉnh lịch sử 1.537 điểm trong các phiên tới.
Chốt lời bớt các cổ phiếu đã có lợi nhuận
CTCK Vietcombank - VCBS đưa ra nhận định, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm khá đáng kể dưới áp lực bán chốt lời trong phiên, tuy nhiên thanh khoản không tạo được đột biến cho thấy lực cung phần nhiều là hành động chốt lời ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư. Nhìn chung giai đoạn hiện tại của thị trường vẫn phù hợp hơn cho hoạt động "lướt sóng" ngắn hạn theo sự vận động của dòng tiền.
Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc "mượn" đà giảm của thị trường để chốt lời bớt các cổ phiếu đã có lợi nhuận, đồng thời gia tăng thêm tỉ trọng của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần chú ý tiếp tục tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư và không lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng" như hiện tại.
Chứng khoán KB: Có thể trading ngắn hạn
TTCK Việt Nam giảm điểm, tương đồng với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới sau khi Fed công bố biên bản họp chính sách tháng 3 cho thấy các quan chức đồng thuận giảm quy mô bảng cân đối 95 tỷ USD/tháng và nghiêng về các động thái tăng lãi suất nhanh hơn. Dầu giảm giá khi có số liệu
cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng và các nước thành viên IEA nhất trí xả mạnh dự trữ chiến lược tác động tiêu cực đến cổ phiếu dầu khí ở PVD (-1.9%), GAS (-0.8%). Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón các loại tăng 183%, do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến giúp cổ phiếu ngành phân đạm giao dịch tích cực hơn thị trường chung ở DPM (+4.2%), DCM (+3.9%). Khối ngoại bán ròng ở VHM (-1.7%), HPG (-1.5%), STB (-1.4%).
Thanh khoản tăng cao tại những nhịp sụt giảm trong phiên cho thấy áp lực phân phối đang có phần lấn át và để ngỏ rủi ro xuất hiện thêm nhịp điều chỉnh trong phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, chỉ số được kỳ vọng sẽ lấy lại cân bằng và có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 149x.
KSB đưa ra lời khuyên, sau khi chốt lời các vị thế ngắn hạn tại vùng giá cao, NĐT có thể mở mua trở lại 1 phần vị thế trading ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ đối với các cổ phiếu mục tiêu.
Kiên định với nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản
CTCK MB - MBS cho biết, thị trường trong nước điều chỉnh trên diện rộng khi không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp và có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn thì nhóm cổ phiếu Vn30 cũng chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh đó, sức ép từ hoạt động bán ròng mạnh trong phiên hôm nay từ khối ngoại cũng là nhân tố khiến thị trường trượt dốc trong những phút cuối phiên.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX còn 25.314 tỷ đồng so với mức 28.708 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 24.917 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 764 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 7888 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Về kỹ thuật, với phiên giảm mạnh kể từ giữa tháng 3 cho tới nay, chỉ số Vn-Index đang retest trenline giảm kể từ đầu năm, đâu cũng là vùng cận trên của xu hướng đi ngang kéo dài hơn 3 tháng qua. Với sự xoay vòng liên tục của dòng tiền kể từ đầu tuần, từ nhóm chứng khoán đến đầu tư công, vật liệu xây dựng, hóa chất, dầu khí… Do vậy, nhà đầu tư không nên lướt sóng, kiên định với nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.