Luật sư: Chế tài xử lý ô nhiễm tiếng ồn chưa đủ sức răn đe
"Việc các nhóm hát rong trên phố mở âm lượng to quá mức, gây ảnh hưởng đến người dân không phải là tình trạng mới xảy ra gần đây nhưng xử lý thì chưa dứt điểm", luật sư cho biết.
Trách nhiệm về ai?
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, sau dịch, nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, hàng quán tấp nập, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện các nhóm hát rong. Điều đáng nói là âm thanh phát ra từ thùng loa luôn mở hết cỡ gây bức bối cho dân đang sinh sống tại khu vực đó và người đi đường.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hoạt động này xảy ra thường xuyên không chỉ gây ra những tiếng ồn, gây mất trật tự an ninh tại khu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, gây rất nhiều phiền hà và bức xúc trong dư luận.
"Do đó, cần triển khai các biện pháp nhắc nhở, giáo dục cho đến răn đe, cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, khi các đối tượng hát rong được nhắc nhở nhiều lần mà không hợp tác, lực lượng chức năng nên thực thi nghiêm các quy định về xử phạt hành chính như phạt tiền, cưỡng chế ngăn chặn hành vi hát rong, làm ồn và tịch thu công cụ, phương tiện hát rong (như loa kéo, đài, micro...)", luật sư cho biết.
Cũng theo luật sư Tiền, trách nhiệm quản lý và xử lý các hành vi hát rong, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu thường được thực hiện bởi UBND các cấp và lực lượng công an trên địa bàn.
Cụ thể, đối với các đối tượng thực hiện hành vi hát rong không phù hợp, gây mất trật tự an ninh, lực lượng chức năng có trách nhiệm nhắc nhở để họ điều chỉnh âm lượng cũng như địa điểm cho phù hợp.
Nếu các đối tượng này cố tình không hợp tác, thì có quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính cũng như buộc các đối tượng ngừng thực hiện hành vi vi phạm, đồng thời tịch thụ các công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Chế tài chưa đủ răn đe
Hiện nay quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc được quy định tại Mục 2.1, Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn ban hành kèm theo Thông tư 39/2020/TT-BTNMT.
Cụ thể, đối với khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) từ 6 giờ đến 21 giờ là 55dBA và từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau là 45dBA. Mức giới hạn tối đa tại khu vực thông thường, gồm: Khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính trong 2 khung giờ tương đương là 70 dBA và 55 dBA.
Theo đó, các chế tài xử phạt đối với người vi phạm được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;...
Trong đó, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định này, hành vi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định này, đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn cũng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi hành vi này có thể yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm tiếng ồn phải bồi thường theo quy định pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi theo quy định tại Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định, trên thực tế, việc các nhóm hát rong trên phố mở âm lượng to quá mức, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh và những người đi đường không phải là tình trạng mới xảy ra gần đây.
Tuy nhiên, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, bởi cơ quan chức năng chỉ có căn cứ để xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
Mặt khác, hiện nay các địa phương vẫn chưa được trang bị các thiết bị chuyên dùng để đo độ ồn nên rất khó xác định mức độ ồn ào làm căn cứ để xử phạt cho hợp tình hợp lý.
Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, chính quyền cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm với các cá nhân, tổ chức nếu có hành vi vi phạm.
Song để giải quyết vấn đề cốt lõi, có hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn để không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân xung quanh bị ảnh hưởng mà còn hướng tới xây dựng xã hội văn hóa, văn minh.