Tiếng nhạc xập xình, tiếng hát karaoke inh ỏi phát ra từ những chiếc loa kéo trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Hà Nội sau khi thành phố cho phép các hoạt động vui chơi, giải trí được mở cửa trở lại. Cách nào để người Hà Nội có lại được không gian yên tĩnh sau nhiều giờ làm việc vất vả?
“Chói tai” những tối cuối tuần
Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Hà Nội đã chủ trương mở cửa trở lại thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, hàng loạt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ được tái lập. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật cũng diễn ra sôi động.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện các nhóm hát rong với những chiếc loa kéo âm thanh “khủng”. Âm lượng luôn được bật hết công suất, tiếng nhạc xập xình, inh ỏi gây bức bối cho dân cư sinh sống tại khu vực đó và người đi đường.
Vui mừng vì các hoạt động vui chơi giải trí được mở lại chưa được bao lâu, gia đình anh Nguyễn Hoàng Quân (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lại đau đầu vì tiếng nhạc inh ỏi mỗi tối cuối tuần.
“Cả tuần chỉ có 2 ngày nghỉ thì cứ tối đến gia đình tôi lại được nghe “ca nhạc miễn phí” đến nhức đầu. Nhà có ông bà đã hơn 80 tuổi, sức khoẻ yếu mà cứ bị tra tấn lỗ tai nên ông bà rất khó chịu. Hai con nhỏ của tôi tối cuối tuần phải chui vào phòng đóng chặt cửa để học bài”, anh Quân chia sẻ.
Không những vậy, theo anh Quân, các gánh hát rong còn thường xuyên di chuyển cùng loa kéo, hết tốp này đến tốp khác, không cố định. Nhiều buổi tối phải chứng kiến cảnh “đấu loa” giữa các nhóm này khiến anh và gia đình vô cùng mệt mỏi.
Anh Quân cho biết, gia đình anh cùng nhiều hộ gia đình xung quanh đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương, tuy nhiên với đặc thù di chuyển thường xuyên, các nhóm nhạc tự phát này vẫn hoạt động đều, không có dấu hiệu thuyên giảm.
Không chỉ gây khó chịu cho người lớn, âm thanh phát ra từ những chiếc loa kéo công suất lớn này còn ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ nhỏ. Mới sinh em bé thứ 2 chưa đầy 1 năm, chị Phạm Thu Hoài (phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm) đã phải tìm cách gửi con sang nhà ngoại 3 tối cuối tuần vì quá ồn ào.
“Những ngày nghỉ dịch đã quen với sự yên ắng nên lúc phố đi bộ mở lại, cứ đến cuối tuần là con tôi quấy khóc vì âm thanh lớn phát ra đến tận đêm khuya. Em bé mới chưa đầy 1 tuổi, đứa lớn thì đang chuẩn bị vào lớp 1 nên tôi phải gửi con những ngày cuối tuần. Việc cho con học vào buổi tối cũng áp lực không kém khi bên ngoài cứ vọng lại âm thanh chói tai từ những chiếc loa kéo” - chị Hoài bức xúc.
Xử lý dứt điểm từ cơ sở
Việc các hoạt động như hát hò, nhảy múa với những thùng loa hoạt động hết công suất suốt ngày đêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân khu vực phố đi bộ và những khu vực lân cận. Trong khi thời điểm buổi tối và cuối tuần là lúc người dân nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng, cũng là lúc những sinh hoạt, trao đổi trong gia đình diễn ra.
Không những vậy, tình trạng này nếu để tái diễn lâu ngày còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, cãi vã, thậm chí xảy ra xô xát giữa người dân và những gánh hát rong. Điều này không chỉ gây mất trật tự an ninh khu dân cư mà còn làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài, nhất là khi Hà Nội có số lượng khách du lịch quốc tế đông đảo.
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã có chỉ đạo cụ thể đến các phường về việc kiểm tra và xử lý dứt điểm nếu có tình trạng này.
Theo đó, lực lượng công an phường sẽ tiến hành thu giữ tại chỗ và xử phạt theo quy định nếu phát hiện tình trạng sử dụng loa kéo, loa công suất lớn trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Quận Hoàn Kiếm cũng kiên quyết không để tình trạng này tái diễn trong thời gian sắp tới.
“Ngoài ra, xung quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, các điểm hoạt động văn hoá - nghệ thuật được cấp phép đều được yêu cầu sử dụng loa với công suất vừa đủ, không để xung đột âm thanh với nhau. Tất cả các trường hợp sử dụng âm thanh không được cấp phép đều bị lực lượng chức năng tiến hành thu giữ và xử lý”, ông Hoàn cho hay.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, trách nhiệm quản lý vấn đề này thuộc về chính quyền cơ sở, nơi có các hoạt động này diễn ra. Ô nhiễm âm thanh, tiếng ồn xảy ra ở đâu thì việc kiểm tra, xử lý phải được thực hiện ở đó để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân”.
Bà An cho rằng, các quy định của thành phố về việc sử dụng âm thanh nơi công cộng và trong khu dân cư đều đã có, tuy nhiên việc triển khai thực hiện lại có phần buông lỏng, nhất là khi thành phố vừa mới mở cửa trở lại chưa lâu.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Không thể ngồi văn phòng rồi ra chỉ thị
Mở cửa trở lại, thích ứng với dịch bệnh là chủ chương lớn của Chính phủ và thành phố, cũng là nguyện vọng của nhân dân.
Sau 2 năm diễn ra dịch bệnh bị hạn chế về thời gian cũng như không gian sinh hoạt văn hoá thì nay Hà Nội đã tái khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hoá – xã hội mà điển hình là không gian phố đi bộ.
Việc những gánh hát sử dụng loa công suất lớn gây ô nhiễm tiếng ồn xảy ra xung quanh khu vực phố đi bộ cần có những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý văn hoá các cấp. Ví dụ như khống chế về mặt thời gian, có địa điểm được hoạt động sau 12h đêm nhưng có khu vực phải dừng sớm để người dân ổn định sinh hoạt, nghỉ ngơi cuối tuần.
Về mặt âm lượng sử dụng của những loa kéo này cũng cần có sự kiểm soát. Nếu cứ để âm lượng lớn nhằm thu hút sự chú ý của dân chúng như cách nhiều người đang làm là rất khó chấp nhận.
Do vậy, các cơ quan quản lý văn hoá từ cấp phường đến cấp quận và thành phố phải có những hướng dẫn và quy định cụ thể. Điều này đòi hỏi phải tiến hành khảo sát thực tế, lấy ý kiến người dân và có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Không thể chỉ ngồi văn phòng rồi ra chỉ thị…
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Xử lý nghiêm
Trên thực tế, việc các nhóm hát rong trên phố mở âm lượng to quá mức, gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh và những người đi đường không phải là tình trạng mới xảy ra gần đây.
Mặc dù các quy định về xử lý tiếng ồn đều đã có, tuy nhiên, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, bởi cơ quan chức năng chỉ có căn cứ để xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau (Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Mặt khác, hiện nay các địa phương vẫn chưa được trang bị các thiết bị chuyên dùng để đo mức độ tiếng ồn nên rất khó xác định mức độ tiếng ồn làm căn cứ để xử phạt cho hợp tình hợp lý.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần triển khai đồng bộ các biện pháp khác nhau. Từ việc nhắc nhở, giáo dục cho đến răn đe, cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, khi các đối tượng hát rong được nhắc nhở nhiều lần mà không hợp tác, lực lượng chức năng nên thực thi nghiêm các quy định về xử phạt hành chính như phạt tiền, cưỡng chế ngăn chặn hành vi hát rong, làm ồn, tịch thu công cụ, phương tiện hát rong.
Chính quyền cơ sở cũng cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm với các cá nhân, tổ chức nếu có hành vi vi phạm trên địa bàn. Song để giải quyết cốt lõi vấn đề, người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn để không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân xung quanh bị ảnh hưởng mà còn hướng tới xây dựng xã hội văn hóa, văn minh.
H.Chiến(Ghi)