Báo lỗ hơn 31.000 tỷ đồng, EVN xin tăng giá điện
EVN nêu ra một loạt biến động lớn tác động tới sản xuất điện, kiến nghị điều chỉnh tăng giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính trong những năm tới.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 21/12, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điệnbình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg để giảm khó khăn cho ngành và bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.
Chi phí ngành điện tăng
Bức tranh tài chính của EVN năm 2022 theo đánh giá của ông Nguyễn Tài Anh là hết sức khó khăn. Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 460.700 tỷ đồng (tăng 4,31% so với năm 2021), trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu để sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.
Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu năm, giá than thế giới tăng cao, nguồn than nhập khẩu hạn chế nên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện.
Các tháng cuối năm Tổng Công ty Đông Bắc cấp than pha trộn hoàn toàn cho các nhà máy điện và dừng cấp than cho các nhà máy điện Nghi Sơn 1, Thái Bình nên tồn kho than rất thấp, ảnh hưởng lớn cho sản xuất điện trong mùa khô năm 2023.
Trong khi đó, chỉ số giá than nhập khẩu biến động mạnh, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020, 2021. Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), chia sẻ trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, A0 đã tăng khả dụng nguồn điện giá rẻ, hạn chế nguồn điện giá cao.
Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, giá mua điện năm 2022 tăng cao; so với đơn giá trong kế hoạch đề ra, giá mua điện trên thực tế tăng 685 đồng/KWh, nhân với sản lượng, chi phí bỏ ra tăng thêm tới 3.700 tỷ đồng để mua điện.
Kết quả tính toán giá điện của EVN theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cho thấy chi phí đầu vào đã tăng cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Việc điều chỉnh giá điện đã được EVN báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định theo đúng quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng.
Đề xuất tăng giá điện
Trước tình hình trên và để hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch năm 2023, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện 8, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định số 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Tập đoàn này cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân; đề nghị Bộ tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về việc áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN "rất đáng lưu tâm". Ông đồng tình với đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN.
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chi phí đầu vào biến đổi không ngừng trong khi giá điện không thay đổi đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính của EVN. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh giá bán điện để phù hợp với tình hình thực tế, chia sẻ với những khó khăn của EVN.
Ông cũng đề nghị EVN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về tiết kiệm, cắt giảm chi phí để cân bằng tài chính, đảm bảo phát triển bền vững, bảo toàn phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
[Biểu giá bán lẻ điện mới: Hộ tiêu dùng nào phải trả thêm tiền điện?]