Do khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và những xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao.
Theo dữ liệu của Ember, giá bán buôn trung bình những tháng cuối năm ở châu Âu tuy giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn đầu năm. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã lắng xuống.
Theo Ember, ở châu Âu, giá điện bán buôn trung bình vào tháng 10 năm 2022t ại Italy có mức 211, 2 Euro/ MWh (tương đương 5.714 VNĐ/ kWh), tại Pháp giá điện ở mức 178,9 Euro/ MWh (khoảng 4.847 VNĐ/ kWh), tại Đức là 157,8 Euro/MWh (khoảng 4.278 VNĐ/ kWh), tại Anh có giá 136,60 Euro / MWh (khoảng 3.710VNĐ/ kWh)
Trong khi đó, cuối tháng 10/2022, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng dầu tổng cộng khoảng 45.000 Yên cho mỗi hộ gia đình trong tháng 1 - 9 năm sau. Vào tháng 10 năm 2022, giá điện ở Tokyo đã tăng gần 27%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát ở một quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu.
Các biện pháp trợ cấp giá điện của Nhật Bản sẽ được đưa vào gói kinh tế toàn diện sắp tới của chính phủ. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ cho các công ty điện lực để cắt giảm giá điện hộ gia đình của họ xuống 7 Yên/kWh, để bù đắp việc tăng giá dự kiến cho mùa Xuân tới và sau đó. Biện pháp hỗ trợ này sẽ được cắt giảm từ tháng 9 để tránh cản trở nỗ lực khử cacbon.
Còn tại Thái Lan, tờ Nation của Thái Lan cho biết, giá điện sinh hoạt tại Thái Lan sẽ tăng lên 4,72 Baht (3.273 VNĐ)/ kWh từ tháng 9 năm 2022 khi Ủy ban điều tiết năng lượng (ERC) sẽ tăng biểu giá nhiên liệu (Ft) được dùng để tính toán hóa đơn.
Cụ thể ERC cho hay, sẽ tăng thuế nhiên liệu thêm 0,6866 baht (477 VNĐ) lên 0,9343 baht (638 VNĐ)/đơn vị trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 năm 2022. ERC xem xét giá Ft bốn tháng một lần (tháng 1,5 và 9). Lý do chính của sự gia tăng là do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ Vịnh Thái Lan. ERC cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm điện để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào LNG nhập khẩu.
Tại Hàn Quốc, giá bán buôn điện đạt mức cao nhất vào ngày đầu tiên của tháng 9 năm 2022 do giá khí đốt quốc tế tăng mạnh từ việc vũ khí hóa năng lượng của Nga, dẫn đến lựa chọn tăng nhiên liệu than thay cho khí đốt tự nhiên để sản xuất điện ổn định trong thời tiết lạnh hơn.
Theo Korea Power Exchange, giá biên hệ thống (SMP), Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) trả cho các nhà máy điện đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng ngày là 228,96 Won/kWh (4.287 VNĐ) cho nội địa, cao hơn mức cao nhất hàng tháng 202,11 Won/kWh (3.784 VNĐ) hồi tháng 4/2022.
SMP đã tăng lên 202,11 Won/kWh vào tháng 4, tăng từ 154,42 Won (2.891 VNĐ) vào tháng Giêng. SMP đã giảm xuống 140,34 Won (2.627 VNĐ)/kWh vào tháng 5 và 129,72 Won (2.430 VNĐ) vào tháng 6 khi giá khí đốt ổn định nhưng giá đã tăng lên phía Bắc từ tháng 7. SMP vào tháng 8 đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước lên 197,74 won (3.702 VNĐ)/kWh.
Hàn Quốc đã đảm bảo hơn 90% nhu cầu khí đốt trong một năm từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023 thông qua hợp đồng cung cấp dài hạn, đồng thời cho biết thêm rằng, chính phủ cũng có thể mua khí đốt trên thị trường giao ngay nếu có bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mùa Đông.
Theo trang tin Globalpetrolprices, giá điện Trung Quốc cho hộ gia đình áp dụng từ tháng 3/2022 là 0,546 NDT kWh (1.909 VNĐ), cho kinh doanh 0,634 NDT/kWh (2.217 VNĐ/ kWh). Để so sánh, giá điện trung bình trên thế giới trong thời kỳ đó là 0,144 USD/kWh (3.568 VNĐ) đối với hộ gia đình và 0,138 USD/ kWh (3.419 VNĐ) đối với doanh nghiệp.
Khủng hoảng năng lượng là nguyên nhân chính khiến giá điện tăng cao, vậy Việt Nam có nằm ngoài tác động? Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Năng lượng lại là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể...
Được biết, Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, được điều chỉnh tăng. Đây là điểm khác so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định 24, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.
Dự thảo quyết định cũng nêu rõ thẩm quyền quyết định giá điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương.
Năm 2022, dù tính toán được khoản lỗ, song EVN vẫn cam kết với Chính phủ không tăng giá điện để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn vực dậy sau Covid -19.