Loạn thi sắc đẹp không phép: Quy định lỏng lẻo, xử phạt chưa thỏa đáng
Loạn các cuộc thi nhan sắc, trao các danh hiệu sắc đẹp tràn lan khi chưa được cấp phép - thực tế này đã và đang diễn ra, với nhiều bất cập. Cuộc thi do Hoa hậu Hương Giang tổ chức mới đây là một ví dụ điển hình. Điều này đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn trong cấp phép và hậu kiểm các chương trình, các cuộc thi nhan sắc.
Luật sư tố tụng Dương Ánh Nga thuộc đoàn luật sư TP HCM cho rằng, ngày càng có nhiều các đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp lách luật và ngày càng có nhiều hơn những cuộc thi lệch chuẩn, sai phạm bất chấp tiếp diễn...
Nhiều cuộc thi nhan sắc tổ chức chui
Theo luật sư Dương Ánh Nga, từ thời điểm Nghị định 144 ra đời, những quy định "cởi trói" của Nghị định đã khiến các đơn vị tổ chức dễ dàng "lách luật" để tổ chức thêm nhiều cuộc thi nhan sắc. Tình trạng “mở mắt là thấy hoa hậu”, “ra ngõ gặp hoa hậu”… xuất hiện tràn làn. Tuy nhiên, không ít trong số đó vướng những lùm xùm, gây xôn xao dư luận…
Ví dụ điển hình nhất là chương trình truyền hình thực tế Miss International Queen Vietnam 2023 (ban tổ chức dịch tiếng Việt là Đại sứ Hoàn mỹ), do Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đứng ra tổ chức. Cuộc thi sẽ bị Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM “tuýt còi”, xử lý.
Nguyên nhân cuộc thi của Hương Giang tổ chức bị xem xét xử lý do đây là hoạt động thi người đẹp chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, cuộc thi Miss Petite Vietnam 2023 (Hoa hậu Nhân ái Việt Nam) rơi vào tình huống tương tự khi bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng buổi công bố cuộc thi sau khi chương trình bắt đầu được vài phút.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh, sự kiện giới thiệu cuộc thi Miss Petite Vietnam buộc phải ngừng, đến khi có đầy đủ hồ sơ mới có thể thực hiện.
Hay như sự việc Công ty Minh Khang - đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 - bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng do thực hiện hành vi vi phạm hành chính "tổ chức thi người đẹp không có văn bản chấp thuận”.
Những lùm xùm, sai phạm xung quanh các điều luật cần và đủ cho việc tổ chức một cuộc thi nhan sắc hoa hậu cũng khiến công chúng ngán ngẩm, thất vọng. Điều này đặt ra câu hỏi: “Quy định về các cuộc thi nhan sắc hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa?”.
Quy định cấp phép lỏng lẻo, xử phạt chưa thỏa đáng
Hiện, căn cứ pháp lý quy định quản lý cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp là Nghị định 144/2020/NĐ-CP.
Luật sư Nga cho rằng, Nghị định 144 năm 2020 ra đời gần như “tiếp tay” cho đơn vị tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Bởi các quy định về việc cấp phép hiện nay còn khá lỏng lẻo.
“Các cuộc thi người đẹp, hoa khôi trong nội bộ các tổ chức đôi khi rất có ảnh hưởng về mặt truyền thông nhưng lại không cần phải xin phép mà chỉ cần thông báo. Như vậy sẽ dẫn đến việc đôi khi các cuộc thi sắc đẹp có sai phạm thì cơ quan có thẩm quyền cũng không nắm được thông tin hoặc khi phát hiện được thì đã diễn ra rồi mới tiến hành xử phạt là quá muộn.
Chính vì quy định dễ dãi mà những năm gần đây, quá nhiều các cuộc thi người đẹp, hoa khôi ra đời núp bóng của các công ty nhưng thực tế là chạy truyền thông rất mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng.
Với các cuộc thi người đẹp, hoa hậu có quy mô lớn hơn tuy có quy định chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt, cấp phép nhưng trên thực tế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa sát sao và chuẩn chỉ, kiểm duyệt qua loa, mang tính đối phó. Vì vậy hàng loạt các cuộc thi hoa hậu ra đời nhan nhản nhưng nội dung phản cảm, hình thức sai phạm rất nhiều”, luật sư Nga nêu thực trạng.
Điều 12 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo nêu rõ:
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tổ chức thi người đẹp và người mẫu không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận; không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận.
Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp, người mẫu có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại…
Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp, người mẫu có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…
Theo luật sư, quy định về mức xử phạt hiện nay đối với các hành vi sai phạm là chưa thỏa đáng, cụ thể theo quy định tại Điều 12 Nghị định 38/2021 và Điểm A Khoản 4 Điều 2 Nghị định 128/2022/NĐ-CP thì mức phạt cho các hành vi vi phạm về việc thực hiện các cuộc thi sắp đẹp trái phép là quá nhẹ. Nên dẫn đến việc các đối tượng sai phạm không sợ và chấp nhận sai phạm để thu lợi bất chính và nộp phạt sau cũng được.
Luật sư Nga cũng cho rằng, các cuộc thi hoa hậu hiện nay tổ chức khi chưa đc cấp phép - tình trạng này diễn ra nhiều và gây ra nhiều bất cập.
"Hệ lụy để lại rất nhiều vì nếu các chương trình không cấp phép có nghĩa là nội dung, cơ cấu, chương trình và các thông tin chi tiết của cuộc thi không được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra và phê duyệt.
Trong quá trình cuộc thi diễn ra cũng không có ai giám sát. Dẫn đến khi các cuộc thi được khởi động, nếu làm truyền thông tốt và nhiều người biết đến, có sức ảnh hưởng, thì chỉ cần một một sai phạm như kịch bản có nhiều văn ngôn không chuẩn, quần áo thí sinh phản cảm… cũng sẽ gây ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến hình ảnh, văn hóa quốc gia", luật sư Nga nhấn mạnh.
Về vụ việc cuộc thi do hoa hậu Hương Giang tổ chức, luật sư Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính pháp lý của cuộc thi. Bởi các thông tin về chương trình, ngay thời điểm lên sóng tập đầu tiên đã được báo chí, dư luận hết sức quan tâm. Chưa kể đây là một cuộc thi về cộng đồng LGBT. Luật sư Nga khẳng định: "Cuộc thi của Hương Giang chưa xin phép đã ký hợp đồng với các nhãn hàng và cho phát sóng như vậy là sự coi thường và thách thức pháp luật".
Hồ sơ, trình tự thực hiện thủ tục xin chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ như sau:
- Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục:
- a) Văn bản đề nghị tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
- b) Đề án tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Về thủ tục chấp thuận thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP như sau:
Thủ tục cấp văn bản chấp thuận:
- a) Tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi;
- b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ;
- c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) đồng thời đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử. Trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
- d) Trường hợp thay đổi nội dung cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản nêu rõ lý do gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đã chấp thuận phải xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân đề nghị;
- đ, Trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản thông báo gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận và chính quyền địa phương nơi tổ chức cuộc thi ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi.