Gìn giữ nghề lò rèn xứ Quảng
Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm về thôn Phú Đa, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu về nghề lò rèn thủ công ở nơi đây.
Mới tới đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng búa đập sắt, thép chan chát, tiếng vật dụng va vào nhau cùng tiếng người làm nghề, mua bán chuyện trò sôi nổi.
Trong không gian chưa đầy 50m2, vợ chồng ông Đoàn Thanh Hùng (52 tuổi), ở thôn Phú Đa, đang rèn hoàn thiện những con dao để kịp giao cho khách hàng. Ông Hùng chia sẻ, gia đình ông có truyền thống làm nghề rèn. Tính đến ông là thế hệ thứ 3 và cả 3 anh em ruột đều tiếp nối nghề của tổ tiên.
Ông Hùng cho biết, ông làm nghề này được hơn 30 năm, mỗi ngày cho ra lò hơn 10 sản phẩm các loại như dao, rựa, cuốc… Giá mỗi sản phẩm dao động từ 150 - 300 nghìn đồng. Khách hàng của ông ở khắp các huyện thị như: Đại Lộc, Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức và nhiều địa phương khác.
“Để làm ra một sản phẩm không hề đơn giản, phải trải qua hơn 10 công đoạn từ cắt sắt, thép, đập, mài… Để sản phẩm được bền chắc, khi chọn nguyên liệu phải rất kỹ lưỡng, chủ yếu chọn các loại nhíp xe ô tô từ các vựa phế liệu hoặc sắt thép của Mỹ trong chiến tranh còn lại. Mặc khác, trong quá trình nung sản phẩm trong lửa cũng phải chú ý, lửa quá nóng sẽ khiến sản phẩm giòn dễ gãy, còn không đủ nhiệt thì sản phẩm lại non nhanh cong vẹo”, ông Hùng chia sẻ.
Theo nhiều người làm lò rèn ở xã Quế Châu, nghề rèn thì dễ, tuy nhiên không phải ai cũng dễ trở thành thợ giỏi. Nghề này đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự sáng tạo, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm mới cho ra được sản phẩm như ý làm vừa lòng khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Sỹ, Chủ tịch UBND xã Quế Châu cho biết, trước đây ở địa phương có nhiều gia đình làm nghề rèn nhưng hiện nay chỉ còn 10 - 15 hộ làm nghề. Vì làm nghề rèn cho thu nhập không cao, vất vả nên nhiều gia đình bỏ nghề để tìm việc khác tăng thêm thu nhập. Thật đáng trân trọng khi vẫn còn những người gìn giữ nghề rèn truyền thống này.
“Ngày nay phát triển, nhiều sản phẩm được máy móc công nghiệp hiện đại cho ra đời có mẫu mã đẹp, giá cả thấp nên hàng rèn thủ công khó cạnh tranh. Mặc dù sản phẩm rèn thủ công có độ bền cao, sắc bén nhưng để làm ra một sản phẩm khá tốn kém thời gian, thiếu dụng cụ khi gia công, dùng sức lao động là chủ yếu. Trong những năm qua, chính quyền cũng đã hỗ trợ các lò rèn 2 máy đập sắt trị giá 50 triệu đồng/máy với hy vọng tiếp sức thêm cho làng nghề”, ông Nguyễn Minh Sỹ nói.