Kinh tế

Nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

T.Hằng 17/01/2024 09:02

Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và cao nhất đạt 6,48% theo kịch bản 2. Đó là thông tin được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”, tổ chức ngày 15/1 tại Hà Nội.

anhbaitren.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn, thách thức. Ảnh: H.Hương.

2 kịch bản tăng trưởng

Kinh tế thế giới năm 2023 đi qua nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm. Vậy năm kinh tế 2024 thì sao? Các dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kịch bản 1, GDP có thể tăng trưởng 6,13%, xuất khẩu tăng 4,02%, thặng dư thương mại 5,64 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,94%. Kịch bản 2, GDP có thể tăng trưởng 6,48%, xuất khẩu tăng 5,19%, thặng dư thương mại 6,26 tỷ USD, lạm phát bình quân 3,72%.

Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, đại diện CIEM cho rằng Việt Nam cần tiếp tục vượt qua một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực).

Đồng thời, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Giới chuyên gia chỉ rõ, các khó khăn của nền kinh tế đang lùi lại về phía sau. Theo đó, năm 2023, điểm sáng kinh tế xuất hiện nhiều hơn vào cuối năm khi xuất khẩu tăng dần và từng bước lấy lại được đơn hàng, lạm phát được hạ nhiệt.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% đóng góp 0,46 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 3,74% đóng góp 1,51 điểm phần trăm (riêng công nghiệp tăng 3,02%) và dịch vụ tăng cao nhất với 6,82% đóng góp 3,25 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,33%. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế...

Cần giải pháp tổng thể

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giới chuyên gia cho rằng, các chính sách có tầm nhìn dài hạn, chính sách phải đi vào hành động.

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban đổi mới quản lý DN TPHCM cho rằng, Việt Nam cần giải quyết vấn đề về thủ tục đầu tư. Dòng tiền đưa vào nền kinh tế chậm dù đã có cải thiện. Hiện, nếu một thủ tục có được triển khai nhanh thì với những dự án nhỏ thời gian làm thủ tục thông thường vẫn gấp đôi thời gian triển khai thực hiện, xây dựng. Điều này dẫn đến độ trễ lớn, không tác động ngay lập tức đến nền kinh tế. Kích cầu làm nhiều biện pháp, từ chính sách tiền tệ đến tài khóa, có nhiều chương trình phục hồi kinh tế được triển khai từ năm 2021 nhưng còn chậm.

Theo đó, cơ chế chính sách đầu tư cần được rút gọn về trình tự đầu tư. Nếu quá thận trọng đến mức tự kiềm chế sẽ khó có sự đột phá trong kích cầu tiêu dùng sản xuất, kích cầu sản xuất, xuất khẩu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế phải có một chính sách dài hạn hơn, nếu đi theo lối mòn chỉ có thể ổn định trong ngắn hạn.

“Thời điểm vàng” để cải cách nền kinh tế

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa công bố báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 được thực hiện tháng 12/2023.

Theo báo cáo này, niềm tin của doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 4/2023, thể hiện ở tỷ lệ DN đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát tháng 4; tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần.

Tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô lớn tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

Tuy nhiên, tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 2.734 DN tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% DN đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11,8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; giảm mạnh quy mô 28,2% và giảm nhẹ quy mô là 20,6%.

Ban IV đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn; trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn và các xu hướng công nghệ xanh, số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại. Xây dựng nền hành chính, quản trị công kỷ cương, phục vụ, hiệu quả, trong đó nhấn mạnh đến các cơ chế chọn lựa và sử dụng nhân tài. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất...

T.Hằng