Từ xẩm tối mùng 4 Tết, người dân dịa phương và các nơi lân cận đã đến phiên chợ âm dương. Địa điểm họp chợ ở khu vực bãi Hồ, đây là bãi chiến trận giữa nghĩa quân Hai Bà Trưng với quân giặc Nam hán, nơi đây có nhiều xác chết, thành gò đống, quạ đen bay kín cánh đồng trên các tử thi, nên gọi là đất Ó (quạ đen) không gian u tịch, nhiều oan hồn tử sĩ. Đây là phiên chợ gắn liền với hội làng, mở đầu năm mới với hi vọng tốt đẹp và giữ gìn văn hoá, tâm linh của nhân dân địa phương. Người dân đi chợ âm dương để cầu may mắn và nhiều người đi chợ để ước nguyện được gặp người thân ở bên kia thế giới. Đây là phiên chợ không trả giá và mặc cả, người mua trả tiền tuỳ tâm bằng cách thả tiền vào những chiếc hộp. Mọi người vào chợ mang theo một bó vàng mã, sau khi thắp hương cầu khấn xong thì đốt vàng mã tại đây vì tin rằng lúc này người thân của họ đang ở quanh đây và nhận được những đồng tiền vàng được gửi ở thời khắc này. Theo truyền thuyết thì nơi đây có một cái cửa gọi là Cửa Âm Phủ, cửa chỉ mở duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 4 tháng Giêng Âm lịch để các hồn ma lên chợ tìm gặp người nhà nơi trần thế, cửa sẽ đóng lại vào rạng sáng ngày hôm sau khi có tiếng gà gáy canh năm. Những con gà đen được bán tại phiên chợ với quan niệm là gà đen sẽ hứng chịu mọi vận đen cho gia chủ. Người dân xếp hàng để nhận những phiếu mua gà đen. Vợ chồng anh chị Việt, Hương đến từ Long Biên, Hà Nội đến phiên chợ âm dương để mua gà đen với mong muốn cầu may mắn cho gia đình.
Quang Vinh