Xã hội

Tiên Yên - Vùng đất “nhân hòa”

Nguyễn Quý - Ngọc Anh 06/08/2024 08:30

Ngoài sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Tiên Yên còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em, nổi bật là Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu… Người Tiên Yên hiền lành và luôn giàu tình cảm cũng nhờ gia tài văn hóa đó.

1(1).png

Ngoài sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Tiên Yên còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em, nổi bật là Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu… Người Tiên Yên hiền lành và luôn giàu tình cảm cũng nhờ gia tài văn hóa đó.

red-and-brown-traditional-indian-handicrafts-youtube-thumbnail-1-.png

Tôi đến Đại Dực từ những ngày vùng cao này còn là xã trong diện đặc biệt khó khăn. Cho đến bây giờ, khi đã có quá nhiều đổi thay, nhưng có một thứ mà Đại Dực chưa bao giờ thay đổi, đó là tình đoàn kết.

Không biết từ bao giờ, người Sán Chỉ ở Đại Dực có tục cấy, gặt đổi công. Giống lúa Bao Thai được cấy trên những triền ruộng bậc thang, những cánh đồng nhỏ dưới chân đồi và khe suối. Cứ đến mùa cấy, gặt là các hộ trong thôn xóm tự sắp xếp lịch gặt. Mỗi nhà cử một người đến giúp nhà kia, tập trung công việc cấy, gặt đến xong xuôi mới về. Trên những thửa ruộng, thường có mười năm đến hai mươi người cùng làm việc. Cuối buổi gặt, chủ nhà làm cơm mời mọi người sang giúp nhà mình. Cứ như thế, lịch gặt hái từng nhà đều được hoàn thành. Tình làng, nghĩa xóm như được nhân lên.

a4-7-.jpg
Nụ cười mùa gặt ở thung lũng Đại Dực. Ảnh: Nguyễn Quý

Người Sán Chỉ ở Tiên Yên còn bồi đắp tâm hồn của mình bằng những điệu hát Soóng Cọ. Tiếng hát Soóng cọ diễn ra quanh năm, trong dịp lễ tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới, hay đơn giản chỉ là trong sân nhà văn hóa, sau khi công việc mùa màng đã xong xuôi. Tiếng hát róc rách như nước dưới khe suối, như tiếng xào xạc của lá rừng trên dãy Thông Châu.

tuyet-tinh-coc-can-dinh-loan-4eff048a3582e3f5445136cf04cb23cf.jpg
Môi trường, khí hậu trong lành cũng là một trong những điều kiện tạo nên tính cách hiền hòa của người Tiên Yên. Ảnh: Tuyệt tình cốc - Cấn Đình Loan

Ngược lên một vùng cao khác, những giá trị của con người Tiên Yên lại được tìm thấy ngay từ trong những phiên chợ. Đó là chợ phiên Hà Lâu.

Vào chủ nhật tuần thứ 4 hàng tháng, Chợ phiên Hà Lâu lại họp. Đã từ lâu, xã Hà Lâu là địa bàn cư trú của bà con người Dao. Chợ phiên không chỉ là nơi bà con người Dao địa phương giao thương buôn bán mà còn thu hút bà con các dân tộc trên địa bàn các xã khác của huyện Tiên Yên, Bình Liêu, hai huyện lân cận Đình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn cùng đến giao lưu, trao đổi hàng hóa.

Tại chợ phiên, nhiều sản vật tại núi rừng, các sản phẩm địa phương được bày bán như: Mật ong, rau rừng, ba kịch tím, nấm chẹo, các loại bánh gai, bánh cốc mò… Đặc biệt gà đồi Tiên Yên, rượu men lá luôn là sản phẩm đắt hàng được du khách ưa chuộng.

Ngày nay, được sự quan tâm đầu tư của huyện Tiên Yên và xã Hà Lâu, chợ phiên Hà Lâu đã trở thành phiên chợ đặc sắc vùng cao, không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi giao lưu vắn hóa văn nghệ của các dân tộc anh em, góp phần tái hiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

3.png

Nếu ai đã từng tới thăm các xã Đại Dực, Hải Lạng, Phong Dụ, Yên Than, Hà Lâu.., sẽ thấy đâu đâu cũng thấp thoáng những nét văn hoá đặc trưng của người Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ. Những bộ trang phục đặc trưng, những làn điệu Soóng Cô, Soóng Cọ của các chàng trai, cô gái Sán Dìu, Sán Chỉ, điệu Then cùng đàn tính của người Tày, điệu hát đối, hát đám cưới của các chị em Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán….

Hằng năm, các lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc được tổ chức, khơi gợi niềm tự hào bản sắc văn hoá riêng nhưng cũng tăng tình đoàn kết thông qua các hoạt động vui chơi, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao. Có thể kể đến lễ hội dân tộc Dao gắn với chợ phiên Hà Lâu; lễ hội văn hoá dân tộc Tày với tục xuống đồng, đình Đồng Đình; lễ hội văn hoá mùa vàng gắn với dân tộc Sán Chỉ; lễ hội thể thao văn hoá dân tộc Sán Dìu gắn với đền Đức ông Hoàng Cần.

tran-bong-duoi-mua-nguyen-long-giang.jpg
Những cô gái Sán Chỉ trong trang phục truyền thống nhiệt huyết với môn bóng đá. Ảnh: Trận bóng dưới mưa - Nguyễn Long Giang

Từ những tiềm năng, thế mạnh trong sự đa dạng văn hóa, các cấp ủy, chính quyền huyện Tiên Yên luôn chủ động phát huy giá trị văn hóa các dân tộc anh em, khơi gợi niềm tự hào về văn hóa vốn có của mình trong mỗi người dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư và phát huy hiệu quả. Huyện luôn quan tâm đầu tư các nguồn lực và xã hội hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

phong-tuc-cuoi-hoi-cua-dan-toc-san-diu-nguyen-long-giang.jpg
Với sự giao thoa giữa các nền văn hóa, chắt lọc những yếu tố tinh hoa, tốt đẹp, loại bỏ đi những cái không hay, người Tiên Yên đã tạo cho mình một phong cách độc đáo: “Hiền hòa - Mến khách”. Ảnh: Phong tục cưới hỏi của dân tộc Sán Dìu - Nguyễn Long Giang

Trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, các giá trị văn hóa được cấp ủy và chính quyền các cấp vận dụng thực tế, sáng tạo, gắn với khai thác các sản phẩm du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc. Lễ hội Mùa vàng về miền Soóng cọ tại xã Đại Dực, Phiên chợ vùng cao Hà Lâu… đã tạo được những hiệu ứng nhất định, thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu về văn hóa và đời sống bà con các dân tộc nơi đây.

Huyện Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Huyện triển khai có hiệu quả các đề án về văn hóa, chú trọng đi vào văn hóa của 4 dân tộc chiếm dân số đông, 4 lễ hội lớn, bố trí nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong huyện kết hợp phát triển kinh tế xã hội địa phương...

Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên

Từ vùng đất “ô châu ác địa” trong quá khứ, Tiên Yên phát triển như ngày hôm nay dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, có sự kết tinh, cộng hưởng từ cội nguồn văn hóa, lịch sử, đến tâm hồn, cốt cách của người dân, cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ. Đó cũng là một nhân tố chính trong sự đa dạng và thống nhất của văn hóa con người Quảng Ninh, như mục tiêu mà tỉnh này đề ra: Xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, thân thiện, văn minh”.

Nguyễn Quý - Ngọc Anh