70 năm, khoảng thời gian đủ dài để người Tiên Yên nhìn lại chặng đường đã qua, với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng hơn tất cả là sự vui mừng, phấn khởi, tự hào trước thành tựu mà huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đạt được trong chặng đường 70 năm đầy gian khó.
70 năm trước, đúng 12 giờ trưa, ngày 8/8/1954, trước sự chứng kiến của hàng nghìn quần chúng nhân dân và Tổ giám sát Quốc tế đình chiến tại Tiên Yên, những đơn vị quân Pháp cuối cùng đã lặng lẽ cuốn cờ rút khỏi Tiên Yên.
Giờ đây, khi nhìn lại các bức ảnh cũ (sưu tầm) so với hiện tại mới thấy Tiên Yên đã đổi mới mạnh mẽ không ngừng.
Thị trấn Tiên Yên xưa còn nghèo. Những con phố trung tâm vẫn thưa thớt người, xe qua lại. Những mãi nhà cũ rêu phong, trầm mặc lưu dấu những thăng trầm của lịch sử. Ảnh: Tiên Yên phố xưa - Cấn Đình Loan
Sự chuyển mình của vùng đất này càng làm cho người Tiên Yên và những người từng gắn bó với Tiên Yên, thao thức với ký ức khó khăn gian khổ, nay đã xa rồi. Ảnh: Đầu dốc Cầu Tràn - Cấn Đình Loan
Phà Bến Châu xưa nối huyết mạch giao thông, phải dùng sức người để kéo qua sông. Ảnh tư liệu
Tiên Yên xưa với sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Đó là những ngôi nhà ống chỉ 2 tầng, mái ngói thâm nâu, tường vôi tróc lở, phố không có vỉa hè. Ảnh: Phố Quang Trung bên sông xưa - Cấn Đình Loan
Tiên Yên ngày nay vẫn là vùng đất ngã 3 sông. Điều đó luôn tồn tại trong tâm trí những người yêu mến và gắn bó với Tiên Yên. Huyện có 2 con sông lớn là Tiên Yên và Phố Cũ, hợp nhau tại đầu thị trấn Tiên Yên, rồi đổ ra cửa biển Mũi Chùa. Ảnh: Tiên Yên nơi ngã ba sông - Cấn Đình Loan
Từ một huyện dân tộc miền núi, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế kém phát triển, dân trí thấp với nhiều hủ tục lạc hậu. Đến nay, Tiên Yên đã có bước phát triển vượt bậc, với kết cấu hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao về mọi mặt. Ảnh: Cầu tràn nối đôi bờ sông Tiên Yên - Cấn Đình Loan
Năm 2019, Tiên Yên là huyện dân tộc, miền núi phía Bắc đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt trên 5.073 tỷ đồng (gấp trên 32 lần so với năm 1987, khi bước vào đổi mới); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 77 triệu đồng/năm. Ảnh: Nụ cười mùa gặt ở thung lũng Đại Dực - Nguyễn Quý
Nổi bật là, cơ cấu kinh tế ngày càng chuyển dịch đúng hướng và hiệu quả. Chủ trương (2 con, 1 cây) tiếp tục được triển khai tích cực, góp phần quan trọng chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Thu hoạch quế - Cấn Đình Loan
Đàn gà thương phẩm mang thương hiệu Gà Tiên Yên nổi tiếng đạt trên 1,3 triệu con/năm; sản lượng tôm đạt trên 5.000 tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và cải thiện mức thu nhập cho nhân dân. Ảnh: Mùa tôm Hải Lạng - Cấn Đình Loan
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các công trình trọng điểm, mang tính động lực được đưa vào sử dụng. Năm 2020, thị trấn Tiên Yên được công nhận đô thị loại IV. Tất cả đã tạo động lực căn bản và mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Chợ Tiên Yên - Cấn Đình Loan
Đáng chú ý, tháng 3 năm 2024, Tiên Yên đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dù bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, song với sự vào cuộc quyết liệt, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, tới từng thôn, bản và mỗi người dân, huyện Tiên Yên đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng tự hào. Ảnh: Phơi miến - Vũ Tiến Dũng
Bên cạnh những dấu ấn về địa lý, lịch sử, Tiên Yên còn là điểm hội tụ, giao thoa văn hóa các dân tộc của vùng Đông Bắc. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên tạo ra một lợi thế cho Tiên Yên phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với nền văn hóa bản địa đa dạng, đậm đà bản sắc. Ảnh: Thi đẩy gậy - Nguyễn Long Giang