Kinh tế

Kỳ Anh về đích Nông thôn mới - Bài 2: 'Dân vận khéo' để người dân đồng lòng xây dựng quê hương

Quang Lộc 02/10/2024 14:54

Phong trào 'Dân vận khéo' gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trên tất cả các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa huyện nghèo bứt tốc hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Huyện nghèo đồng lòng

Nói về hành trình đưa huyện Kỳ Anh bứt phá, ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Ngày 10/4/2015, huyện Kỳ Anh (cũ) được tổ chức lại để thành lập thị xã Kỳ Anh, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm đó, nhiều người còn bảo, bao nhiêu lợi thế, động lực đã dồn hết cho thị xã Kỳ Anh.

Huyện Kỳ Anh giữ được cái tên “truyền thống” nhưng gần như xuất phát điểm từ con số không. Cơ sở vật chất hạ tầng phải xây mới toàn bộ; trung tâm đầu não cấp huyện nhưng nằm giữa “đồng không mông quạnh”; 21 xã thuộc huyện hầu hết là các xã khó khăn, địa bàn miền núi, xã bãi ngang ven biển, xã đồng bằng thuần nông; thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, nguồn thu ngân sách đạt thấp,...

ky anh 3
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh dự lễ ra quân chuyển đổi ruộng đất tại địa phương.

Thời điểm năm 2011, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), số tiêu chí đạt được bình quân của huyện là 2,2 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 22,44%; hạ tầng nông thôn thiếu và yếu kém.

“Khi chia tách huyện, nguồn lực khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM lớn nên ngoài sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, tỉnh, cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến xã, thôn xóm và mỗi một người dân Kỳ Anh phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Vì vậy lúc đó chúng tôi xác định phải chính quyền và người dân cùng đồng lòng, đoàn kết để bứt phá”- Chủ tịch huyện Kỳ Anh bồi hồi nhớ lại.

Năm 2022, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) lựa chọn thôn Phú Minh để triển khai thí điểm mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn cho vụ xuân 2023 với tổng diện tích trên 65 ha. Bước đầu thực hiện chủ trương tại địa phương gặp không ít khó khăn, trong đó, có việc thay đổi tư duy, tập quán của người dân.

Bám sát sự chỉ đạo của huyện, trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ về nguyên tắc phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong Nhân dân, công tác “dân vận khéo” đã được xã và thôn phát huy bằng nhiều hình thức.

Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” của xã đã phát huy cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, với các hộ dân chưa thật sự đồng tình, các cán bộ, đảng viên ở Phú Minh đã sẵn sàng nhường đất của mình cho bà con và nhận lại bất cứ thửa đất nào được giao.

k
Những cánh đồng sau chuyển đổi đã được huyện Kỳ Anh khai thác triệt để trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cùng 1 giống, cùng thời vụ; phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiệu quả, bền vững.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “dân vận khéo”, phương án thực hiện dồn điền đổi thửa đã sớm nhận được sự đồng thuận trong nhân dân.

Từ chỗ có 4 vùng sản xuất, sau quy hoạch, thôn Phú Minh còn 3 vùng với 116 thửa, giảm 1.571 thửa so với ban đầu. Vụ xuân này, toàn bộ diện tích sau chuyển đổi đã được đưa vào sản xuất các loại giống ngắn ngày, chất lượng cao với hy vọng thắng lợi vượt trội và toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Hoa - người dân thôn Phú Minh chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi rất ngại khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồn điền, đổi thửa. Tôi cũng lo không biết sau chuyển đổi, mình có nhận được thửa đất tốt như trước hay không. Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền, vận động và giúp đỡ của cán bộ thôn, xã, chúng tôi đã làm được, năng suất tăng cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Lòng dân là yếu tố cơ bản để thành công

Sau đó, những “cuộc cách mạng” dân vận khéo được chính quyền các cấp ở Kỳ Anh đồng loạt triển khai để huy động sức dân. Điền hình như ở thôn Hòa Hợp (xã Kỳ Văn) - địa phương được huyện chọn triển khai chuyển đổi ruộng đất 100% diện tích trước ngày xuống giống vụ xuân năm 2022.

Với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, thôn Hòa Hợp đã tạo bước đột phá: từ 786 thửa, chuyển đổi chỉ còn lại 89 thửa. Từ kinh nghiệm, cách làm của thôn làm điểm, phong trào đã nhanh chóng mở rộng trên địa bàn toàn xã.

Đến nay, xã Kỳ Văn đã có 3 thôn triển khai với 146,2 ha được chuyển đổi triệt để. Ông Nguyễn Tiến Điền - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Văn cho biết: “Theo lộ trình, mỗi năm xã có một thôn hoàn thành chuyển đổi; như vậy với 8 đơn vị thôn, đến năm 2027, Kỳ Văn sẽ hoàn thành chuyển đổi ruộng đất 100% diện tích”.


Được biết, thực hiện chính sách hỗ trợ phá ô thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến vụ xuân 2023, huyện Kỳ Anh đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa tại 7 vùng của 7 xã với tổng diện tích 326,83 ha.

Một trong những công trình mang đậm dấu ấn của công tác “dân vận khéo” ở Kỳ Anh là quá trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Nam Hải, xã Kỳ Hải. Công trình được khởi công vào đầu tháng 4/2022 với tổng đầu tư là 2,2 tỷ đồng. Sau hơn 7 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/2022).

ky anh 10
Huyện Kỳ Anh nhất hội thi "Dân vận khéo" tỉnh Hà Tĩnh cụm 1 năm 2024.

Ông Trần Thành Nam - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng BCĐ Phong trào thi đua “dân vận khéo” huyện Kỳ Anh chia sẻ:

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xây dựng 1.313 mô hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực, trong đó 343 mô hình cấp huyện, 970 mô hình cấp xã. Phong trào thi đua Dân vận khéo đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Xác định lòng dân là yếu tố căn bản để tháo gỡ những khó khăn đặt ra, trong triển khai các phong trào, nhiệm vụ, chúng tôi luôn hướng về người dân, tìm hiểu sát sao những khó khăn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị.

Từ đó, có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân chung sức, đồng lòng thực hiện các phong trào thi đua. Phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự đạt được mục đích: nói và làm cho dân hiểu, dân tin, dân đồng tình và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước", ông Nam nhấn mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng NTM, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở thường xuyên phát huy vai trò gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên; sâu sát, gần gũi với Nhân dân; luôn học hỏi dân, nghe dân nói, nói cho dân hiểu, hướng dẫn cho dân làm và làm để dân tin.

ky anh 12
Lễ ra mắt mô hình “dân vận khéo” vận động nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp... phòng, chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đặc biệt, với quyết tâm chính trị cao, năm 2024, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo huyện đã ra mắt mô hình “Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phòng chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển”.

Đây là việc làm có ý nghĩa, góp phần quản lý, khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản, môi trường biển vì lợi ích của chính người dân hiện tại và tương lai. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân địa phương.

Quang Lộc