Kỳ Anh từng là miền biên viễn xa xôi, thời tiết khắc nghiệt được ví như “ống gió, chảo lửa, túi mưa” phía cực Nam Hà Tĩnh. Nhưng với nỗ lực vươn lên, toàn huyện Kỳ Anh đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM; hiệu quả hơn, lấy ý kiến của người dân, mức độ hài lòng về xây dựng nông thôn mới đạt trên 90%.
Huy động nguồn lực theo Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới. Từ đây, phong trào “dịch rào hiến đất” đã truyền cảm hứng bứt phá cán đích nông thôn mới (NTM) cho người dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Cựu chiến binh cắt nhà hiến đất mở đường
Hiến đất đai, tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới (NTM) trở thành việc làm bình thường của nhiều người dân Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, câu chuyện về cựu chiến binh (CCB) - Trưởng thôn Hoàng Đình Lâm ở thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cắt đi một phần căn nhà chính của gia đình để nhường đất cho xã mở rộng đường, khiến người dân ở huyện Kỳ Anh cảm động.
Căn nhà cấp 4 của ông nằm cách mặt đường (cũ) chưa đầy 1m phải cắt đi khoảng trên 1,5m rộng, chạy dọc theo chiều dài trên chục mét. Cùng với đó là gần 100m đất vườn cũng được gia đình hiến để mở đường.
Ông Lâm chia sẻ: “Nhà ít người, ở cũng chẳng bao nhiêu. Mình chịu khó chật hẹp một chút nhưng bù lại được bao nhiêu việc: thứ nhất là có đủ đất để xã làm đường, thứ hai, là một cán bộ thôn mình nên đi đầu, làm trước thì mới tuyên truyền, vận động được bà con…”.
Khi được hỏi về việc tuyên truyền, vận động đối với “người nhà” thế nào để có được sự đồng thuận cho quyết định táo bạo của mình, ông chia sẻ: “Ban đầu cũng gặp sự do dự, trăn trở của vợ con, nhưng được cái mọi người đều tin tưởng vào suy nghĩ và tôn trọng quyết định của mình; mặt khác chính mọi người trong gia đình cũng hiểu và đồng tình ủng hộ cao với chủ trương xây dựng NTM của thôn, của xã. Vì vậy mọi việc cuối cùng rồi cũng êm xuôi”.
Tuyến đường chính của xã chạy qua địa bàn thôn Phú Hải xuống bãi biển Kỳ Phú dài 400m, chiều rộng chỉ có 3m; có 23 hộ gia đình bám mặt đường. Để có bề rộng mặt đường và hành lang đảm bảo 9m thì các gia đình hai bên đường phải lùi vào nhường đất từ 2 - 3m.
Là địa phương vùng biển, đất đai chật hẹp, giá đất cao, để khơi thông được tư tưởng và ý thức của bà con là cả một quá trình không hề đơn giản. Mặc dù vậy, qua sự kiên trì tuyên truyền, vận động, đặc biệt là sau khi vị Trưởng thôn đi đầu hiến đất, cắt cả một phần nhà ở của mình, mọi việc có sự chuyển biến nhanh chóng và rõ rệt.
Các gia đình không ai bảo ai, cứ theo mốc đường mới đã cắm mà đập bỏ hàng rào, đập bỏ cổng kiên cố và bất cứ công trình nào của mình trên phần đất dành cho mở đường, rồi tiến hành xây dựng lại.
Cạnh nhà ông Lâm là gia đình anh Trần Văn Tuấn cũng nhường đất cho xã mở đường, anh đã tự nguyện đập bỏ và lùi vào với chiều rộng hơn 2m, chiều dài 13m.
“Bao nhiêu đất đai, công trình có giá trị, nay phải bỏ đi, lại mất thêm công sức, tiền của để làm mới thì ai mà chẳng tiếc. Tuy nhiên, vì chủ trương chung của địa phương thì mình sẵn sàng cống hiến. Bác Lâm trưởng thôn đã đi đầu hiến cả một phần nhà cửa, người dân chúng tôi cứ thế làm theo vì việc chung” - anh Trần Văn Tuấn bộc bạch.
Cuộc ‘cách mạng’ hiến ‘tấc đất - tấc vàng’
Chuyện người dân hiến đất mở đường ở xã Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Đồng, Kỳ Thượng,… được ví như cuộc “cách mạng” thay đổi giao thông thôn xóm.
Hàng trăm hộ dân trên các trục đường liên thôn, nội thôn, các ngõ xóm, cụm dân cư tình nguyện hiến đất mở rộng mặt đường để ô tô có thể tránh nhau dễ dàng trên đường làng, có rãnh thoát nước, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp.
Ông Nguyễn Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Công tác lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, MTTQ và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân và sự vào cuộc, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, xã Kỳ Phú xây dựng được 8/8 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu.
Trong đó, năm 2019 xã Kỳ Phú xây dựng đạt chuẩn 2 khu dân cư kiểu mẫu (Phú Lợi, Phú Sơn); năm 2020 xây dựng đạt chuẩn 5 khu dân cư kiểu mẫu (Phú Minh, Phú Long, Phú Thượng, Phú Trung, Phú Tân); năm 2021 xây dựng đạt chuẩn 1 khu dân cư kiểu mẫu. Với tổng kinh phí xây dựng hơn 15 tỷ đồng, trong đó có hơn 11 tỷ đồng nguồn đóng góp của các tổ chức cá nhân, xã hội hóa.
Phong trào thi đua hiến đất mở đường lan tỏa sâu rộng, hàng nghìn m2 đất và cây cối, hoa màu được người dân hiến và hàng trăm nghìn ngày công lao động được đóng góp để xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường ở xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt như Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Lâm Hợp.
Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn chia sẻ, thời gian qua, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự chung sức của người dân, việc triển khai xây dựng giao thông nông thôn ở Kỳ Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, hệ thống giao thông cơ bản đảm bảo kết nối giữa các thôn với hơn 40 km đường bê tông. Để hoàn thiện khối lượng công việc này, xã đã huy động hơn 22 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 16 tỷ đồng; tiếp nhận hơn 5.700 tấn xi măng...
Đối với hệ thống đường liên huyện, trong số 9 tuyến, với tổng chiều dài hơn 63 km hiện có 7 tuyến, với chiều dài 46,6 km đã được đầu tư đạt chuẩn, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%.
Các tuyến còn lại cần nguồn lực lớn, Kỳ Anh đã tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, đưa một số tuyến đường vào chương trình đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh.
Song song với tiêu chí giao thông, tiêu chí nước sạch tập trung cũng đã có “lời giải” bằng việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước tập trung tại xã Lâm Hợp và vùng phụ cận, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; tại xã Kỳ Lạc, tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.
Đồng thời, mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống Nhà máy nước TX Kỳ Anh, cấp cho các xã: Kỳ Thọ, Kỳ Tân, Kỳ Văn và hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy cấp nước Kỳ Đồng và vùng phụ cận.
Theo tính toán, với các dự án đang được triển khai trên địa bàn thì tiêu chí nước sạch tập trung của huyện Kỳ Anh đạt tỷ lệ 24% vào năm nay 2024.