Kỳ Anh về đích Nông thôn mới - Bài Cuối: Hiệu quả khi người dân hài lòng, hạnh phúc
Theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh, bứt phá xây dựng nông nông thôn mới ở địa phương hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Huyện Kỳ Anh đã ưu tiên tối đa cơ chế chính sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, biến huyện nghèo trở thành ‘vùng đất đáng sống’, người dân thực sự hài lòng, hạnh phúc.
Nâng cao đời sống người dân
Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, ước tính trong tổng kinh phí huy động xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2023 là hơn 1.100 tỷ đồng thì nội lực cấp huyện, xã và người dân Kỳ Anh đóng góp đạt trên 729 tỷ đồng, chiếm gần 63%, một con số rất ấn tượng với 1 huyện nghèo của Hà Tĩnh.
Chương trình NTM ra đời hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Từ quan điểm xuyên suốt đó, thời gian qua huyện Kỳ Anh đã ưu tiên tối đa cơ chế chính sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Trái ngọt đầu tiên là việc chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa thành công. Cuối năm 2021, Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời được xem là cơ hội, vừa là động lực quan trọng để huyện Kỳ Anh triển khai một cách triệt để công tác chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa.
Theo đó, cách làm mới của huyện Kỳ Anh so với các địa bàn khác là kiên trì và quyết liệt với mục tiêu: mỗi hộ hoặc nhiều hộ chỉ sản xuất trên 1 thửa gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã, với tổng diện tích 890 ha được chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa triệt để gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Sau chuyển đổi, bình quân 0,85 ha/thửa; trên 80% số hộ còn 1 thửa/hộ.
Tiếp đó, huyện Kỳ Anh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Chương trình OCOP, tạo cú hích mạnh mẽ để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất.
Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 61 ý tưởng đăng ký tham gia, trong đó 49 ý tưởng được thẩm định, chấp thuận và 35 phương án SXKD sản phẩm được UBND cấp huyện chấp thuận. Toàn huyện hiện có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao (trong đó, 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao).
Nước mắm Phú Khương (xã Kỳ Xuân) là một trong những sản phẩm đầu tiên trong tỉnh sớm xây dựng và được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao vào năm 2019; đến năm 2021 được nâng lên 4 sao. Hằng năm, HTX thu mua từ 350-400 tấn cá để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, với quy mô sản xuất trên 300 nghìn lít/năm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương cho biết, HTX đang tiếp tục nâng cấp dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, mẫu mã sản phẩm; tiếp tục tập huấn cho đội ngũ xã viên; tập trung nghiên cứu, xây dựng và mở rộng thị trường... với mục tiêu nâng hạng sản phẩm lên OCOP 5 sao vào năm 2024.
Nhận thức được tầm quan trọng trong tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, ngày càng nhiều cơ sở mong muốn được ghi tên vào danh sách sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ông Phan Công Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.
Đến thời điểm này, có 18 sản phẩm OCOP và 5 sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ đã được truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử nông sản https://nongsankyanh.com; hàng chục sản phẩm khác đang trong quá trình xây dựng.
“Mức độ hài lòng của người dân phản ánh sinh động kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bởi, để người dân hài lòng cao, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, hiệu quả”.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kỳ Anh.
Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh khẳng định, với sự quan tâm chỉ đạo, trăn trở tìm tòi hướng đi, cách làm mới, sâu sát tháo gỡ khó khăn, chính quyền, ngành chức năng đã đồng hành cùng người dân thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 48,9 triệu đồng/người/năm (tăng 30,39 triệu đồng so với năm 2013).
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tạo bước đột phá trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại trên địa bàn, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Từng bước gắn sản xuất nông nghiệp, NTM với du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng làng xã sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa...
Ông Hồ Huy Thành - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh khẳng định: “Xác định xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc.
Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn, với sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, huyện Kỳ Anh sẽ tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, hướng đến xây dựng huyện Kỳ Anh đạt chuẩn NTM nâng cao”.
Bí thư huyện ủy Kỳ Anh cho biết: Trong không khí háo hức, phấn khởi huyện Kỳ Anh vừa được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn Nông thôn mới. Đảng bộ và Nhân dân huyện Kỳ Anh đang tiếp tục hoàn thiện những phần việc còn lại để củng cố một cách vững chắc tất cả các tiêu chí.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, bình quân thu nhập đầu người đạt 60-65 triệu đồng/năm; có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,5%; tỷ lệ hộ được công nhận danh hiệu "gia đình văn hóa" đạt 95%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch trên 90%; có 100% trạm y tế giữ vững mức độ đạt chuẩn quốc gia; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Hướng đến mục tiêu vào năm 2027, huyện Kỳ Anh đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
“Từ một huyện nghèo mới chia tách, sau hơn một thập kỷ nỗ lực trên hành trình xây dựng NTM, huyện Kỳ Anh đã làm nên kỳ tích. Không chỉ là nỗ lực để đạt chuẩn huyện NTM, mà mục tiêu quan trọng nhất để Kỳ Anh hướng tới là xây dựng mảnh đất này ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm áp nghĩa tình, trở thành một “miền quê đáng sống” - Bí thư Huyện ủy Hồ Huy Thành nhấn mạnh.
Hiệu quả khi người dân thực sự hài lòng, hạnh phúc
Ông Lê Mã Lương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kỳ Anh cho biết: Qua lấy ý kiến của người dân, mức độ hài lòng về xây dựng nông thôn mới đạt khá cao. Đây được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.
Theo quy định, việc đánh giá tiêu chí về xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên cả nước nói chung cũng như Hà Tĩnh nói riêng đều có nội dung về lấy ý kiến hài lòng của người dân.
Mục đích của công tác này là nhằm khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thể hiện sự đồng thuận của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Từ thực tiễn địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kỳ Anh triển khai kế hoạch lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân, trên 90% người dân hài lòng. Có được điều đó chính là bởi những thành quả Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.
“Mức độ hài lòng của người dân phản ánh sinh động kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bởi, để người dân hài lòng cao, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, hiệu quả” – ông Lương nhấn mạnh.
Hôm nay ngày 1/10, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kỳ Anh tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kỳ Anh đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023; xã Kỳ Đồng đạt Đô thị loại V.