Ngày 12/12, tại TP Vũng Tàu, đã diễn ra Hội thảo đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Hợp đồng thỏa thuận chung bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ máy và thiết bị turbine khí (MMSA) tại các dự án dầu khí ở Việt Nam giữa Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Solar.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, PVEP và Solar cùng các nhà điều hành đánh giá hiệu quả thực tế của hợp đồng khung, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển phạm vi và hiệu quả của phương thức hợp tác này.
Công tác điều hành MMSA đã tạo được môi trường trao đổi kinh nghiệm và đào tạo cho cán bộ có kỹ thuật vận hành đạt chuẩn quốc tế, quản lý đạt chuẩn khu vực, chi phí theo mặt bằng giá, ngăn ngừa sự cố, đảm bảo đáp ứng về kỹ thuật và kế hoạch sản lượng khai thác Dầu khí (KTDK) của PVEP và PVN.
Ngay từ đầu năm 2013, Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải, khi đó còn ở cương vị Phó tổng giám đốc thường trực PVEP đã cùng lãnh đạo PVEP đề ra chủ trương và chỉ đạo sát sao về việc thực hiện xây dựng mô hình quản lý trên nền tảng kỹ thuật nhằm tiết giảm tối đa chi phí phát triển mỏ (PTM) và vận hành khai thác dầu khí, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất tại các dự án dầu khí trong và ngoài nước. Một trong những kết quả quan trọng đạt được về chiến lược tối ưu chi phí vận hành KTDK là xây dựng mô hình quản trị chung PVEP MMSA.
Trong những năm qua, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, vượt trội so với các thỏa thuận riêng lẻ với Solar, trên phương diện kỹ thuật, kinh tế và quản trị.
Các nhà điều hành có vốn góp của PVEP bao gồm CLJOC, KNOC, JVPC cùng với BDPOC, TNK/Rosneft, PTSC PS sau khi chuyển sang ứng dụng mô hình MMSA đã quản lý tốt hơn các máy và thiết bị, tạo điều kiện chia sẻ phụ tùng các máy móc, thiết bị có cùng chủng loại giữa các nhà điều hành dự án, giúp đảm bảo số lượng hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất khai thác dầu khí, giảm thiểu dư thừa và vật tư tồn đọng. Phía Tập đoàn Solar cũng đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại phục vụ công tác bảo dưỡng sửa chữa định kỳ do giảm số lần phải ra biển.
Bên cạnh lợi ích thiết thực mang lại cho các nhà điều hành về việc nâng cao chất lượng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, hợp đồng còn cung cấp phụ tùng chính hãng và thực hiện công tác giám sát bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, đại tu, thay thế động cơ.
Theo TS Hoàng Xuân Vũ - Trưởng phòng Thiết bị bảo trì, Ban PTKT của PVEP, người trực tiếp bám sát và triển khai thỏa thuận khung này từ ban đầu cho biết, việc triển khai MMSA tại các dự án PVEP tham gia điều hành, quản lý không chỉ mang lại lợi nhuận, mà hướng tới mục đích cao hơn là nâng cao hiệu quả thời gian làm việc của thiết bị turbine khí, đảm bảo thời gian khai thác cao nhất, giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị tại các dự án và đào tạo cán bộ kỹ thuật.
Với sự chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ của lãnh đạo PVEP mà trực tiếp là Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải, mô hình hợp tác hiệu quả này sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng trong thời gian tới nhằm giúp cho PVEP thực hiện tốt việc tối ưu hóa, giảm thiểu chi phí vận hành, khai thác an toàn tuyệt đối các dự án đang khai thác của mình.