Quả bóng vàng Việt Nam 2016 đã có chủ nhân là tiền vệ Phạm Thành Lương, sau cuộc đãi cát tìm vàng. Lương “dị” giành Quả bóng vàng lần thứ 4 trong sự nghiệp, đó là phần thưởng cho một tấm gương không cần bàn cãi về tinh thần cống hiến, tận tụy và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng người ta vẫn chưa thấy chất “vàng mười” của Quả bóng vàng Việt Nam.
Gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2016.
Từ chuyện của Công Vinh…
Ít giờ trước khi gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2016 diễn ra, việc cựu tiền đạo Lê Công Vinh không được bầu chọn vào tốp 3 và đặc biệt là anh không được mời tham dự gala khiến nhiều người bất ngờ. CV9 dù sao cũng vừa thôi giữ chiếc băng đội trưởng tuyển quốc gia và chia tay với nhiều kỷ lục, để lại nhiều bài học hữu ích cho lớp trẻ. Sự hiện diện của Vinh ít nhiều thể hiện sự tri ân ngay cả khi anh không phải là người chiến thắng.
Thế nhưng, thật không thể hiểu nổi vì sao BTC lại không mời Công Vinh tham dự buổi lễ gala. Để rồi ca sĩ Thủy Tiên- vợ Công Vinh, phải lên tiếng và chua chát quá lời. “Đội trưởng tuyển Việt Nam ghi 13 bàn cho đội tuyển quốc gia trong năm nay và 5 bàn cho CLB. May là con số thống kê không biết nói dối nhé, đưa ra cá nhân nào có số hiệu thành tích tốt hơn nào. Vậy mà ban tổ chức còn chả thèm mời tham dự một tiếng. Dự là Quả bóng vàng năm nay được trao cho cầu thủ dự bị nhưng có nhà tài trợ cho CLB kiêm tài trợ chương trình Quả bóng vàng quyết định. Về nhà đóng cửa trao giải cho nhau để người ta đỡ khinh…”- ca sĩ Thủy Tiên tỏ thái độ bức xúc với ban tổ chức.
Cũng theo Thủy Tiên, bóng đá là sân khấu 4 mặt chứ không phải một mặt như showbiz. Công Vinh không được mời, nên mai mốt đừng ai nói là chảnh, là ngôi sao.
Theo công bố trước đó, Công Vinh vẫn là cầu thủ đứng trong top 5 những cái tên có thể đoạt giải thưởng QBV năm 2016. Tuy nhiên, chân sút vừa tuyên bố giải nghệ đã bị “bật” ra khỏi tốp 3 chung cuộc để được nhận Quả bóng vàng, Quả bóng bạc và Quả bóng đồng.
Có thể hiểu sự bức xúc của Thủy Tiên bởi ngoài những cống hiến đáng được ghi nhận trong năm 2016, Công Vinh cùng với đàn anh Huỳnh Đức, và Thành Lương đang là những người đoạt nhiều Quả bóng vàng nhất trước cuộc bầu chọn năm 2016, với 3 lần lên ngôi.
Từ chuyện của Công Vinh, mà giải Quả bóng vàng vốn đã bị mất giá nhiều những năm qua càng ít được người hâm mộ quan tâm.
...Tới những hạt sạn
Ngay khi BTC phát đi phiếu bầu chọn giải thưởng Quả bóng vàng, đã xuất hiện nhiều thông tin về những mối quan hệ trong làng bóng, những vận động hành lang để bỏ phiếu cho cầu thủ này, cầu thủ kia.
Bầu chọn các danh hiệu giải thưởng luôn cảm tính. Chẳng hạn như ở cuộc bầu chọn cúp Chiến thắng mới đây (giải thưởng vinh danh các VĐV xuất sắc nhất năm của thể thao Việt Nam), nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh lại ít phiếu hơn cả… cầu thủ Nghiêm Xuân Tú của CLB Than Quảng Ninh.
Một đồng nghiệp của chúng tôi ngao ngán: “Xuân Vinh rất có thể sẽ thất bại trước một “tấm gương vượt khó” nào đó, dù chính Vinh thực tế cũng là một tấm gương vượt khó ít ai bằng!. Nhiều giá trị có thể bị đảo lộn vì những giá trị khác xuất phát từ những động cơ riêng biệt, sự đời vốn thế. Nhưng nếu cứ để xảy ra chuyện này thì tự những cuộc bầu chọn của dân thể thao rồi cũng sẽ “nhạt” đi, bởi nó rồi cũng rơi vào “vết xe” của nhiều cuộc thi, Game truyền hình từng gây tranh cãi, hoặc cũng giống như mọi cuộc “bỏ phiếu kín” ở các lĩnh vực khác mà thôi...”.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2016 vốn mất dần thương hiệu, nhưng lại ngày càng gây ồn ào với những câu chuyện hậu trường, mà vụ việc của cựu tiền đạo Lê Công Vinh như đã nói ở trên là một ví dụ rất điển hình.
Đêm trao giải gala, hầu hết những người xem trực tiếp cả ở Nhà hát Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh) và những người xem truyền hình, đều không khỏi ngao ngán. Những tiết mục biểu diễn màu mè của các ca sĩ, hoa hậu, rồi chuyện BTC ai đời lại mời ca sĩ hát nhạc Bolero ở một đêm gala cần sự sôi động.
Nhiều khách mời lẫn khán giả xem truyền hình tỏ ra thất vọng về sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức. Từ chuyện những người lên trao giải không am hiểu gì đến bóng đá, nói chuyện vô duyên tới MC dẫn khớp, không thuộc kịch bản. Hay như HLV Hoàng Anh Tuấn bị khách mời trao mất giải thưởng, phải chữa ngượng bằng cách trao vòng hoa tượng trưng.
Buồn nhất là những lần nói sai của MC, cùng với những phát biểu không chuẩn của khách mời. Đặc biệt là sự cố Quả bóng bạc Futsal 2016 khi được trao cho Minh Trí, phần đầu hình trái bóng rơi khỏi chân đế, suýt chút nữa văng cả ra ngoài.
Có thể hiểu và thông cảm với BTC bởi ở một sự kiện lớn như trao giải Quả bóng vàng được tường thuật trực tiếp luôn xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, nhưng điều đáng nói là hầu như năm nào những vấn đề trên cũng được báo chí nói tới nhiều, nhưng vẫn không rút kinh nghiệm.
“Những hạt sạn dù là rất nhỏ, nhưng cũng khiến bữa cơm mất ngon. Sau một năm cống hiến ở cả CLB lẫn trên tuyển, các cầu thủ cần nhất sự tri ân, vinh danh chân thành và gần gũi, những cuộc chia sẻ cởi mở, thay vì chịu đựng những màn biểu diễn hay những đánh giá chẳng liên quan gì đến bóng đá”, một nhà báo tham dự Lễ trao giải Quả bóng vàng 2016 nhận xét.
Không có “vàng mười”
Tiền vệ Phạm Thành Lương đã trở thành chủ nhân của Quả bóng vàng 2016, theo đó lập kỷ lục giành giải thưởng cá nhân này nhiều nhất lịch sử bóng đá Việt Nam với 4 lần. Thành Lương sinh ngày 10-9-1988, đang đá cho CLB Hà Nội. Anh có 78 lần khoác áo ĐTQG và ghi được 7 bàn. Thành Lương đã giành được 4 QBV vào các năm 2009, 2011, 2014 và 2016. Một phần thưởng không khiến nhiều người phải phàn nàn, nhưng để mà nói là thuyết phục thì Lương “dị” cũng chỉ là người may mắn trong 5 cái tên vào “chung kết”.
So với các đồng đội còn lại trên bục nhận giải, các chỉ số của Thành Lương là đồng đều hơn cả. Xuân Trường rất được yêu thích và là người chơi nổi bật, ổn định nhất cho ĐTVN nhưng không có tiếng nói ở CLB Incheon United. Minh Tuấn ngược lại, là trụ cột của CLB Quảng Ninh nhưng lại không được trọng dụng nhiều trên đội tuyển. Thành Lương xứng đáng, nhưng có lẽ Quả bóng vàng cũng chẳng thể chọn được người phù hợp hơn.
“Với em thì tập thể mới quan trọng nhất. Để có được giải thưởng này là nhờ nỗ lực của rất nhiều đồng đội. Cá nhân em không nghĩ mình sẽ phấn đấu để đạt kỷ lục trở thành người đoạt nhiều Quả bóng vàng nhất”, Thành Lương cũng phải bất ngờ khi mình giành chiến thắng.
Không tì vết, khiêm tốn và luôn nhiệt mỗi khi ra sân kể cả từ ghế dự bị, kể cả không được coi trọng, đó là của hiếm với những cầu thủ vốn được coi là “sao số” như Thành Lương. Đó là điều mà người hâm mộ luôn ghi nhận với chân sút nhỏ con này.
Nhiều người cho rằng chính quyết định giã từ đội tuyển của Thành Lương lại giúp anh có thêm một số phiếu bầu. Vậy nhưng so với một người vắng mặt trong đêm gala là Công Vinh, có vẻ như tầm ảnh hưởng của tân Quả bóng vàng lại hơi mờ nhạt.
Những lá phiếu bầu vô cảm và cách hành xử cứng nhắc của BTC chương trình với Công Vinh khiến Quả bóng vàng 2016 thêm nhiều vết gợn. Rồi đến “gánh xiếc” biểu diễn trong đêm gala cũng khiến người xem cảm thấy chán nản và thất vọng. Cuối cùng là người chiến thắng, cũng không quá hạnh phúc, phấn khích khi đoạt giải.
Giải thưởng Quả bóng vàng tuổi 20 đang có nguy cơ rơi vào lối mòn đến hẹn lại trao mà không thể tìm ra chủ nhân xứng đáng, bởi V.League ngày càng sa sút, còn tuyển Việt Nam vẫn chưa thấy chìa khoá thành công.
Sắc vàng của Quả bóng vàng đã nhạt dần theo thời gian, và liệu có đến lúc nào đó cuộc bầu chọn giải thưởng cao quý này sẽ đến hẹn lại lên, thi xong xuôi tất cả lại về?
Những giải thưởng cá nhân bóng đá Việt Nam năm 2016 Quả bóng vàng nam: Phạm Thành Lương (Hà Nội) Quả bóng bạc nam: Lương Xuân Trường (Gangwon, Hàn Quốc) Quả bóng đồng nam: Vũ Minh Tuấn (Quảng Ninh) Quả bóng vàng nữ: Huỳnh Như (TP HCM) Giải cống hiến: Cựu danh thủ Trần Minh Chiến và cầu thủ Nguyễn Bảo Quân Cầu thủ được yêu thích nhất: Lương Xuân Trườn (Gangwon, Hàn Quốc) Quả bóng vàng futsal: Trần Văn Vũ (Thái Sơn Nam) Cầu thủ trẻ nam xuất sắc: Vũ Văn Thanh (HAGL) Cầu thủ ngoại xuất sắc: Gaston Merlo (Đà Nẵng) Cầu thủ trẻ nữ xuất sắc: Lê Hoài Lương (TP HCM) |